Tương lai, những giấc mơ đó có thể trở thành hiện thực nếu như Thủ đô có nhiều người sẵn sàng xắn tay vào việc dọn rác như các tấm gương tiêu biểu ở tổ dân phố Tháp (quận Nam Từ Liêm), thôn An Vọng (huyện Chương Mỹ), phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân…
Niềm vui người quét rác
Trong thời gian qua, sau một thời gian tuyên truyền thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) của TP Hà Nội, đã có rất nhiều cá nhân có thành tích nổi bật góp phần làm cho Thủ đô thêm xanh - sạch - đẹp.
Chị Nguyễn Thị Lan ở tổ dân phố Tháp, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, là công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Minh Quân đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong thực hiện công việc và cách ứng xử với người dân.
Theo quy định, công việc thu rác của chị bắt đầu từ 18 giờ hàng ngày nhưng vì quãng đường chị phụ trách có rất nhiều hộ dân sinh sống nên có nhiều rác, do đó chị thường phải đi làm sớm hơn. Từ khoảng 17 giờ, với dụng cụ làm nghề của chị là một cây chổi, một xe đẩy rác, chị đi vào các ngõ phố được phân công để bắt đầu công việc của mình.
Cứ như vậy, từ lúc bắt đầu đến hết ca làm, chị miệt mài với công việc, hết quét lại nhặt, lại gom. Kể cả lúc màn đêm buông xuống, khi các ngõ phố đã ngủ yên, chiếc áo phản quang của chị vẫn sáng khắp các con đường.
Chị Lan chia sẻ: “Quét rác là một nghề không giống như những công việc khác là được đi về đúng giờ mà phải tùy theo lượng rác có trên cả quãng đường, khi nào quét hết rác thì chúng tôi mới nghỉ. Thường thì cứ đến 11 giờ là chúng tôi hoàn thành công việc nhưng nhiều hôm phải chờ đến 2 giờ sáng, xe cẩu rác mới tới thì chúng tôi mới được về nhà”.
Có những hôm nhiều rác, đôi bàn tay đầy vết chai sạn của chị lại nhanh thật nhanh dọn vệ sinh để mọi ngõ phố được sạch sẽ trước khi người dân tỉnh giấc. Không bao giờ chị để tình trạng xe rác đi qua mà rác vẫn còn.
Trong khi thực hiện công việc hàng ngày, có những người để rác từ khi xe chở chưa tới, chị nhẹ nhàng nhắc nhở bà con Nhân dân cố gắng đổ rác đúng giờ tránh gây mất vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan sạch đẹp, môi trường cho chính mình. Có những lần thu rác chị gặp những ông bà có tuổi, hay các cháu nhỏ chị đều giúp bê rác lên xe.
Đến nay, với tấm lòng chân thành, thái độ niềm nở, ứng xử khéo léo, người dân trên tuyến đường thu rác của chị ai cũng yêu mến. Quãng đường đi thu rác của chị là thời gian tràn đầy niềm vui và tiếng cười.
Những tấm biển nhắc nhở chân tình
Những năm trước, con đường đến thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ tràn ngập rác, cho dù tổ dân phố, các đảng viên ra sức vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định. Nhưng “phép vua thua lệ làng”, nhiều người vẫn có thói quen tiện đâu vứt rác đó.
Hiện nay, con đường rải nhựa đã sạch sẽ, rợp bóng cây cũng bởi vì nhờ những tấm biển nhắc nhở nhẹ nhàng, dí dỏm như: “Bà con ơi, đổ rác đúng nơi quy định” hay “Bà con ơi, cùng giữ vệ sinh nhé”…
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng Trần Quang Huy cho biết: Những tấm biển này có tác dụng bằng hàng chục cuộc ra quân vận động. Bà con thôn An Vọng đã thành nếp, để rác đúng nơi quy định, đến giờ thu gom mới mang rác ra đường chờ chuyển đi.
Tại cuộc kiểm tra của Bộ VHTT&DL về việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại quận Thanh Xuân vào tháng 6 vừa qua, bà Nguyễn Lệ Hằng, ở tổ dân cư số 1, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân hồ hởi cho biết, việc xây dựng nếp sống văn minh được người dân khu phố hưởng ứng, chung tay thực hiện từ những việc nhỏ. Mỗi tối, sau giờ ăn cơm, bà Hằng thường cùng các con dạo bộ, rồi bóc, gỡ các tờ rơi quảng cáo được dán trên cột điện.
“Các cột điện nhằng nhịt giấy quảng cáo rao vặt, nhìn rất mất mỹ quan. Chúng tôi bảo nhau, nếu nhìn thấy thì chủ động bóc, bỏ đi. Một việc nhỏ là thế, nhưng khu phố nhìn sạch sẽ hẳn” - bà Hằng bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Thời gian tới TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện QTƯX nơi công cộng và tại công sở. Để có sự chuyển biến mạnh mẽ, mỗi người dân, tổ dân phố, thôn xóm cần chung tay để giữ gìn môi trường sống văn minh, hiện đại, để nơi đâu của Hà Nội cũng là “nơi đáng sống”.