Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mối nguy hại từ thức ăn thừa

Theo Nguyễn Dũng/Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô
Chia sẻ Zalo

Tận dụng thức ăn thừa mang lại lợi ích như tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn thừa cũng có "hạn sử dụng"

Nấu một lần… ăn nhiều ngày

Nhà chỉ có hai mẹ con nên chị Hoàng Diệu Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giữ thói quen nhiều năm nay là chế biến thức ăn một lần và dùng cho nhiều bữa. Chị Hương cho biết: “Buổi sáng mình sẽ đi chợ sớm về nấu thức ăn rồi đi làm. Nhà xa chỗ làm nên mình sẽ ở luôn cơ quan đến chiều về. Thức ăn mình chuẩn bị từ sáng đến trưa con trai đi học về có thể ăn luôn. Số thức ăn thừa lại tối về hai mẹ con lại giải quyết”.

Theo chị Hương, con trai chị đã học lớp 8 nhưng khá vụng về. Hơn nữa cậu nhóc ở nhà một mình nên chị không muốn con động đến dao kéo, củi lửa nên chuẩn bị thức ăn sẵn từ sáng là hợp lý. Tuy nhiên, chị khá đau đầu khi nhiều lần con trai ăn xong không cất ngay tủ lạnh mà để trên bàn mấy tiếng đồng hồ. Nhiều hôm chị chế biến quá nhiều, hai mẹ con ăn đi ăn lại thức ăn đó mấy ngày liền. Không chỉ thức ăn, chị thường xuyên lại cơm nguội bởi nấu ít quá sẽ bị bén nồi mà nấu nhiều đành phải ăn mấy bữa.

“Tận dụng thức ăn thừa, ăn đi ăn lại trong mấy ngày mẹ con mình cũng phát ngát ngán nhưng đổ đi thì quá lãng phí. Nhiều khi tiếc của, thức ăn còn ít mình vẫn cố cất đi, gần tuần sau lại lấy ra đun lại để ăn”, chị Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, vì thói quen này của chị mà có lần suýt hai mẹ con phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm do thức ăn thừa.

Rất nhiều gia đình tận dụng thức ăn thừa nhưng lại bảo quản không đúng cách
Rất nhiều gia đình tận dụng thức ăn thừa nhưng lại bảo quản không đúng cách

Việc để thức ăn thừa quá lâu, lại không bảo quản đúng cách cũng khiến cách thành viên trong gia đình chị Nguyễn Hà Linh (Long Biên Hà Nội) suýt phải trả giá. Theo chị Linh, vốn tính tiết kiệm lại không muốn lãng phí thực phẩm nên giống như các gia đình khác chị tận dụng lại thức ăn thừa. Thậm chí, nhà nội, ngoại có đám giỗ hay tụ tập ăn uống chị đều gói phần thức ăn thừa mang về nhà cất tủ lạnh ăn dần.

“Có những món gia đình mình ăn đến một tuần mới hết. Có những món rất dễ bị hỏng như nộm rau củ do không được giữ lạnh ngay. Thế nhưng vì tiếc của có lần mình vẫn cố ăn và kết quả phải “ôm” nhà vệ sinh cả đêm”, chị Linh kể.

Đừng quá lạm dụng thức ăn thừa

Sau lần đó, chị Linh rất sợ nên điều chỉnh, thay đổi thói quen tận dụng thức ăn thừa của mình để bảo vệ sức khỏe của cả gia đình. Không chỉ chị Linh, chị Hương, nhiều người nấu ăn không tính toán dẫn đến tình trạng dư thừa thức ăn mà không nỡ đổ đi. Cũng có người có thói quen nấu nhiều hơn để tiết kiệm thời gian và công sức nhưng không biết rằng ăn thức ăn thừa có thể gây hại cho cơ thể nếu thức ăn không được xử lý đúng cách.

Nhiều món ăn dễ hỏng nên phải bảo quản ngay nếu muốn tái sử dụng
Nhiều món ăn dễ hỏng nên phải bảo quản ngay nếu muốn tái sử dụng

Theo các chuyên gia, thực phẩm giữ được an toàn trong bao lâu phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cách đóng gói, bảo quản và loại thực phẩm. Có một số loại thực phẩm nếu được bảo quản tốt, sẽ để được từ 3-7 ngày, thế nhưng cũng có những loại thực phẩm nếu để quá 3 ngày, sẽ sinh ra các vi khuẩn chứa mầm bệnh nguy hại.

Một trong những thực phẩm nhiều gai đình tận dụng lại nhất là cơm. Tuy nhiên, ít người biết rằng cơm nguội nên được bảo quản trong vòng 1 giờ sau khi nấu và chỉ nên dùng trong 3 ngày nếu được bảo quản tốt. Theo khuyến cáo của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, cơm nguội có thể chứa mầm bệnh mang tên Bacillus cereus nếu để lâu. Loại vi khuẩn này có thể khiến bạn bị tiêu chảy.

Thịt xay và thịt gia cầm đã được nấu chín ở nhiệt độ an toàn có thể để trong tủ lạnh khoảng 1-2 ngày, miễn là chúng được bảo quản ở nhiệt độ dưới 41°F (5°C). Các loại thịt gia súc khác, chẳng hạn như bít tết, phi lê, sườn và thịt quay, có thể để trong tủ lạnh từ 3-4 ngày. Nếu thực phẩm được để trong tủ đông, nên đảm bảo sau khi rã đông phải được sử dụng trong vòng 2 ngày.

Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo hãy bảo quản ngay thức ăn thừa của bạn trong vòng 1-2 giờ sau khi chuẩn bị. Hãy vứt thức ăn thừa của bạn sau 3 ngày kể từ khi chế biến, thậm chí sớm hơn, nếu chúng có mùi hoặc biến màu, có nấm.

Sau bữa ăn 2-3 tiếng, thức ăn thừa (thịt cá…) mới được cất vào tủ lạnh. Trong thời gian đó, thức ăn để ngoài trời, vi khuẩn đã phát triển, chúng ta mới bỏ vào tủ lạnh như vậy cũng không tốt. Mặt khác, nhiều bà nội trợ giữ nguyên tô, đĩa thậm chí cho xoong nồi chứa thức ăn thừa vào tủ lạnh sau đó, bữa tiếp theo lại đem ra sử dụng. Việc này làm tăng khả năng nhiễm khuẩn chéo và khiến chúng ta dễ bị ngộ độc. Vì vậy, sau khi ăn, chúng ta cần cho thực phẩm thừa vào hộp đựng hoặc bọc lại bằng túi nylon chuyên dụng để bảo quản sau đó nhanh chóng cho vào ngăn mát.