Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mối quan hệ EU - Ba Lan: Thành viên tuyên chiến liên minh

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối bất hòa giữa EU và Ba Lan đạt tới đỉnh điểm với phán quyết của tòa án cao cấp nhất của Ba Lan cho rằng luật pháp chung của EU có phần không phù hợp với luật pháp quốc gia của Ba Lan. Vì thế nước này không nhất thiết phải luôn tuân thủ luật pháp chung của EU.

Ảnh: GI
Phán quyết này của tòa án ở Ba Lan trong thực chất chẳng khác gì lời tuyên chiến pháp lý với EU. Khi tự nguyện xin được đứng trong hàng ngũ liên minh, Ba Lan, như tất cả các thành viên khác, đã cam kết tuân thủ các luật pháp và quy định chung của EU, trong thực chất là chấp nhận đặt luật pháp quốc gia xuống dưới luật pháp chung của EU.
Phán quyết nói trên của tòa án ở Ba Lan vì thế được hiểu chung là sự lộ diện chủ ý của Ba Lan về ra khỏi EU hoặc nếu không ra khỏi EU thì chấp nhận những biện pháp chính sách trừng phạt từ phía EU. Thật ra, Ba Lan không dám ra khỏi EU như nước Anh đã hành động bởi Ba Lan được lợi quá nhiều từ EU. Nhưng đồng thời phía Ba Lan cũng biết rằng EU cũng không dám và không thể chơi sát ván với Ba Lan trong cuộc xung khắc này. Chừng nào còn dựa cậy được vào sự hậu thuẫn của Hungari, chừng ấy phía Ba Lan sẽ còn thách thức quyền lực với EU. Cũng vì Ba Lan luôn được Hungari hậu thuẫn nên EU không thể truất quyền biểu quyết của Ba Lan trong EU.

Cho tới nay, EU tuy rất hậm hực nhưng vẫn luôn kiềm chế với Ba Lan. Đỉnh điểm xung khắc mới này chắc chắn sẽ buộc phía EU phải mạnh tay và cương quyết hơn đối với Ba Lan mà trước hết sẽ là không để cho Ba Lan tiếp cận và sử dụng nguồn tài chính trợ giúp dồi dào của EU cho các thành viên nhằm phát triển kinh tế - xã hội các khu vực trong nước và đối phó dịch bệnh. 36 tỷ Euro là khoản tiến rất lớn đối với Ba Lan. Phía Ba Lan tự đẩy mình vào tình thế phải lựa chọn giữa cái lợi về chính trị đối nội trước mắt và các nguồn tài lợi từ EU vốn vô cùng quan trọng đối với Ba Lan.