Đồng hành với doanh nghiệp tạo lực phát triển kinh tế
Hiện các địa phương đều phấn đấu cải thiện môi trường, thu hút đầu tư nên tạo ra sự cạnh tranh lớn trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, những năm qua PCI của Hưng Yên tăng rất cao nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đồng hành cùng các doanh nghiệp gỡ khó về mặt bằng và rút gọn thủ tục hành chính. Năm 2022 đứng thứ 14 (tăng 25 bậc) và 2023 tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 12. Trong đó, có 6 chỉ số thành phần tăng so với năm 2022 về gia nhập thị trường; tính minh bạch; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...
Trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thu hút được 39 dự án đầu tư mới (tăng 11 dự án so với cùng kỳ năm 2023) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6.295 tỷ đồng và 354,7 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 468 doanh nghiệp, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 4.355,9 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2024 thu ngân sách đạt 10.169,9 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch, tăng 59,3% so với cùng kỳ.
"Kết quả này là nhờ các cấp, các ngành trong tỉnh luôn luôn tích cực đồng hành với doanh nghiệp, những khó khăn của doanh nghiệp đều được tháo gỡ, cũng như tạo điều kiện tối đa hoạt động" - ông Trần Quốc Văn nói.
Thời gian tới, với mục tiêu đặt ra cao hơn, Hưng Yên sẽ có những giải pháp đột phá, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là những người đứng đầu cần lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục song hành hơn với các doanh nghiệp. "Khi doanh nghiệp về đầu tư tại Hưng Yên, môi trường sản xuất kinh doanh phải trở thành điểm hút ấn tượng" - ông Trần Quốc Văn nhấn mạnh.
Trong khi đó, việc kiên trì cải cách, đổi mới đã giúp Đồng Tháp nằm trong top 5 bảng xếp hạng PCI trong 16 năm qua. Để làm được điều đó, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Tháp Trương Hoài Châu cho biết, hàng năm tỉnh xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư hợp lý, luôn ý thức việc tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, việc gia nhập thị trường... là khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, Sở được giao làm đầu mối hỗ trợ, thường xuyên tổ chức mô hình cà phê doanh nghiệp trực tiếp đối thoại để lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhận định sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, có chiến lược phát triển để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Đồng Tháp luôn xem doanh nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế, muốn vậy phải có môi trường kinh doanh thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
Cơ hội gia tăng đầu tư
Rõ ràng trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều áp lực, những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành trong cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, việc cải cách thủ tục hành chính, chú trọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để gia tăng đầu tư vào các địa phương trên cả nước, đã được cải thiện rất tích cực. Hiện nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội còn “trải thảm đỏ” để đón nhà đầu tư quốc tế. Qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có cơ hội xây dựng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản nhất định vì thủ tục ở mỗi địa phương lại có cách hiểu, cơ chế đặc thù thực hiện khác nhau dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp quan tâm nhất là vấn đề cải cách hành chính, số hóa, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm việc với doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đến làm việc với địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm và an sinh xã hội.
Ngoài ra, trong các hoạt động đầu tư, doanh nghiệp luôn chú trọng, căn cứ vào các tiêu chí, trong đó có đánh giá về cải cách hành chính, chỉ số về phát triển bền vững, chứng chỉ xanh để định hình ra quyết định đầu tư xây dựng nhà máy để sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế, cũng như quy định khi xuất khẩu.
Đồng tình với quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt nhìn nhận, các nhà máy mới của May 10 triển khai tại Quảng Bình, Thanh Hoá... thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đất đai dù chưa rút ngắn được thời gian quá nhiều nhưng đã thuận lợi hơn trước. "Nếu địa phương nào trải thảm đỏ với việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục thông thoáng, tháo gỡ về vốn, nâng cấp hạ tầng... sẽ thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp" - ông Thân Đức Việt nói.