Tọa đàm nằm trong chuỗi kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (VISTART), Hiệp hội Kinh tế văn hóa Hàn Việt (KOVECA) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Động lực cho giai đoạn tiếp theo
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Phú Bình chia sẻ, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 2 nước đã phát triển vượt bậc trên mọi mặt, trở thành đối tác chiến lược của nhau. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc không chỉ tập trung vào một số tỉnh thành có đông dân cư xung quanh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà dần dần lan toả ra khắp các vùng miền của cả nước; lĩnh vực đầu tư cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Vũ Tiến Lộc thông tin, xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam - Hàn Quốc gần 80 tỷ USD. Đây là con số ngẫu nhiên nhưng cho thấy sự tương ứng về kinh tế - văn hóa giữa hai quốc gia.
Việt Nam đang trở thành quốc gia phát triển, kinh nghiệm của Nhà nước kiến tạo phát triển mạnh mẽ của Hàn Quốc trở thành bài học quý giá cho các nước học tập, trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều lĩnh vực đáng học hỏi, nhất là lĩnh vực công nghiệp hóa, công nghiệp phụ trợ, chế tạo, sinh học, văn hóa, du lịch, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… khi Hàn Quốc giữ vị trí tiên phong trên thế giới.
“Việc Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tạo sân chơi chung cùng diễn đàn trao đổi hợp tác rất cụ thể để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát triển, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Đây sẽ là động lực tiếp theo để hai nước xây dựng các chương trình, kết nối, hợp tác đầu tư cho giai đoạn sau” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhiều lợi thế để hút đầu tư
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng đầu tư. Đợt 1 khi mới đổi mới, mở cửa chú trọng vào các khu, cụm trọng điểm phía Nam và TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Còn bây giờ Việt Nam đang bước vào làn sóng đầu tư thứ 2 của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc với sự hoán đổi hết sức mạnh mẽ của nền kinh trọng điểm miền Bắc, Thủ đô và vùng lân cận cùng nhiều lợi thế trở thành trung tâm thu hút đầu tư của cả nước.
Để làm được điều đó, Quốc hội vừa có quyết định đầu tư, phát triển đường Vành đai 4, tạo ra đường kết nối, mở rộng không gian, sự liên kết với các tỉnh thành nằm trong vùng lõi của Thủ đô. Đây là cơ hội lớn cho công nghiệp, công nghiệp phụ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, sự tác động của dịch bệnh, xung đột địa chính trị đang tạo ra sự dịch chuyển. Một trong những dịch chuyển quan trọng là về chuỗi cung ứng đầu tư. Các doanh nghiệp đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng trong dòng chảy đó. Địa điểm mới và an toàn đó chính là các tỉnh thành khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, dù có dịch chuyển thì các doanh nghiệp vẫn phải kết nối với cơ sở đã có ở Trung Quốc, đó là lợi thế của sự gắn kết chuỗi cung ứng, kể cả thị trường, nguồn nguyên phụ liệu. Đây cũng chính là lợi thế của các tỉnh phía Bắc hơn phía Nam. Nguyên nhân là các tỉnh phía Bắc gần Thủ đô, hạ tầng giao thông tốt với sân bay, bến cảng…
Đặc biệt, xét về sự năng động của chính quyền, của môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số môi trường cạnh tranh khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô đang có các tỉnh dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh tạo ra sự thân thiện hút đầu tư.
Hợp tác của Việt Nam - Hàn Quốc còn ở sự tương đồng ở nền văn minh sông Hồng - sông Hàn với sự hỗ trợ, cam kết đồng hành của hai phía sẽ là động lực để nền kinh tế hai nước phát triển.
Từ thực tiễn ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết, hiện tỉnh có 590 dự án với tổng mức vốn khoảng 14 tỷ USD. Trong đó, Samsung là nhà đầu tư lớn vào tỉnh cùng chuỗi các doanh nghiệp vệ tinh, đang đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lớn, khoảng 45 tỷ USD, tạo việc làm và thu ngân sách địa phương. Đó là sự thành công của tỉnh trong việc thu hút đầu tư FDI, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bắc Ninh có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ của Thủ đô, trong đó tỉnh chú trọng đầu tư về hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại, hệ thống giao thông được đấu nối, đầu tư các trạm biến áp điện, cũng như hệ thống giáo dục cung cấp chất lượng nguồn nhân lực, cảng thông quan… sẵn sàng thu hút, đón các nhà đầu tư.
“Tất cả nguồn lực được tỉnh quyết tâm để các doanh nghiệp khi đầu tư vào có thể yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh sẵn sàng lắng nghe, luôn đồng hành chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục… với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói.
Nhìn nhận vấn đề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Kinh tế Hàn - Việt (KOVECA) Kwon Sung-Taek cho biết, thành quả lớn nhất trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam -Hàn Quốc chính là hợp tác kinh tế bao gồm đầu tư và trao đổi thương mại song phương.
Kết quả trên xuất phát từ tương đồng về văn hóa cũng như mục tiêu phát triển của hai quốc gia. "Xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong tương lai sẽ có sự thay đổi đáng kể. Trong khu vực ASEAN, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc bằng tổng kim ngạch thương mại song phương của Hàn Quốc với 9 quốc gia còn lại. Về đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam" - ông Kwon Sung-Taek khẳng định.
Trong tương lai, chiến lược đầu tư của Hàn Quốc cũng sẽ có sự thay đổi bằng việc chuyển hướng, mở rộng địa bàn đầu tư, phù hợp với lợi thế của từng địa phương.
Trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế chính là thành quả lớn nhất, đóng góp vào sự phát triển của cả 2 quốc gia Việt - Hàn. Từ kim ngạch giao thương 500 triệu USD vào năm 1992, đến năm 2021 con số này đã lên 78 tỷ USD, cho thấy Việt Nam và Hàn Quốc đang là những đối tác lớn, đầy tiềm năng phát triển của nhau. Hai bên phấn đấu tăng trưởng xuất nhập khẩu song phương, hướng đến 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.