Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một cuốn sách: “Gánh vác ngọt ngào”

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà thơ Ngô Thịnh, tác giả của cuốn sách “Gánh vác ngọt ngào” vốn là người con của mảnh đất Khê Châu (Đài Loan) nên ông đã dành gần hết cả cuộc đời cho việc theo đuổi những vấn đề nổi cộm của xã hội, các vấn đề liên quan đến nông nghiệp và đặc biệt là môi trường.

Sự đồng cảm trong tâm hồn tác giả với độc giả Việt Nam đã được sẻ chia trong buổi ra mắt giới thiệu cuốn sách vào sáng 24/9 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
 
“Gánh vác ngọt ngào” là tác phẩm gồm 15 khúc song tấu giữa thơ và tản văn xoay quanh những vấn đề ấy. Nhan đề tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính một bài thơ in trong tập sách – bài thơ “Gánh vác” viết năm 1977. Bài thơ thể hiện tình cảm sâu đậm của người cha đối với con cái, có thể coi đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Ngô Thịnh. Sự sẵn sàng “gánh vác” trách nhiệm bảo bọc, yêu thương con cái của bậc làm cha mẹ nối tiếp từ đời này qua đời khác, trở thành sự gánh vác chung của con người, theo ông đó chính là một “gánh vác ngọt ngào” mà bất kỳ ai cũng muốn “chịu đựng”.

TS Lâm Minh Đức đã nhận xét: “Ngô Thịnh tôn thờ luân lý gia đình, quan tâm đến luân lý xã hội và kiên trì với luân lý đất đai. Ông là con dân nhà nông đích thực, tình cảm gia đình, tình làng xóm là nội hàm chủ yếu trong thơ ca của ông”. Như chính chia sẻ của tác giả: “Khi sang tới Việt Nam, được xem những bài múa rối nước, tôi cảm thấy rất giống những trải nghiệm của bản thân khi còn nhỏ. Vì vậy tôi cảm thấy hết sức gần gũi và có những cảm thông với con người Việt Nam. Mong rằng khi mọi người đọc tác phẩm của tôi cũng có sự đồng cảm tương tự như vậy”.

Qua 15 khúc song tấu của nhà thơ, chúng ta có thể thấy “Gánh vác ngọt ngào” tuyệt đối không phải là sự phiên dịch thơ, cũng không phải sự hé lộ đáp án. Ông thông qua tự thông diễn với tản văn để cung cấp bối cảnh sáng tác, trình bày thêm ý nghĩa phức tạp hơn cho thơ.