Mỗi tuần một cuốn sách: Giữa lòng tăm tối

Anh Nguyệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải lần đầu tiên ra mắt, song “Giữa lòng tăm tối” của Joseph Conrad vẫn là một lời hẹn hội ngộ hấp dẫn với độc giả Việt ngày 12/7 tới.

Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Conrad, là kiệt tác văn học mà giới mê văn chương đều đã quen thuộc. Cuốn tiểu thuyết bao trọn câu chuyện phiêu lưu hải hồ của Marlow dựa trên hành trình có thật của chính tác giả vào năm 1890. Là người của biển cả, Marlow nghe theo tiếng sóng vẫy gọi, khao khát đi tới những miền đất chưa định danh trên địa đồ, cùng với tính hiếu kỳ thản nhiên của một trí óc tế nhị và trạng thái điềm tĩnh của một trái tim sắt đá. Trên con tàu hơi nước thiếu thốn đủ đường, cùng thủy thủ da đen, Marlow ngược dòng Congo hùng vĩ, bí hiểm để hoàn thành một nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi: Cứu Kurtz - người được ca tụng khắp nơi là “thiên tài toàn năng” đang ốm thập tử nhất sinh ở vùng thượng nguồn. Sau bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy của chốn rừng thiêng nước độc, Marlow tới gặp được Kurtz, nhưng chỉ trở về với một tập tài liệu và lời tuyệt mệnh: “Nỗi kinh hoàng!”.

“Giữa lòng tăm tối” đã tạo ra rất nhiều sóng gió trong giới văn chương, thậm chí cả giới phân tâm học, hoạt động nhân quyền hay nghiên cứu châu Phi. Người ta khẩu chiến rồi bút chiến về cách hành văn của tác giả, cấu trúc, ý nghĩa của tác phẩm. Một trong những chủ đề được tranh cãi quyết liệt nhất chính là vấn đề phân biệt chủng tộc. Người thì cho rằng, tác phẩm này là “phân biệt chủng tộc một cách khủng khiếp” với những hình ảnh miêu tả người da đen như những kẻ mọi rợ ngu đần. Người lại cho rằng, tại thời điểm Conrad viết cuốn tiểu thuyết này, khái niệm “phân biệt chủng tộc” vẫn chưa thành hình, quan niệm về khác biệt chủng tộc vẫn còn in đậm, nên không thể trách cứ Conrad. Tuy nhiên, chính nhà văn cũng từng khẳng định rằng tác phẩm ngầm ý chỉ ra “tội ác của sự kém hiệu quả và ích kỷ thuần túy khi khai hóa văn minh ở châu Phi”. Như thế, “Giữa lòng tăm tối” ở một chừng mực nào đó, có thể coi là một bản cáo trạng về lòng tham, thói ưa hủy diệt và quyền lực chuyên chế.

Khép lại những tranh cãi, “Giữa lòng tăm tối” vẫn luôn và mãi là tuyệt phẩm văn chương đáng đọc của mọi thời đại. Bằng ngôn từ mơ hồ mà dứt khoát, huyền bí mà hữu hình, Joseph Conrad đã viết nên một tác phẩm đậm chất thơ, ám ảnh và đầy tính biểu tượng - một kiệt tác của nghệ thuật phân tích tâm lý, của phiêu lưu, của thiên nhiên hoang dại và ảo tưởng của cả thời đại.