Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một cuốn sách: Người Mỹ kể những chuyện bí mật về chiến tranh Việt Nam

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn mang đến cho độc giả một tài liệu tham khảo quý, một góc nhìn đa diện về cuộc chiến tranh Việt Nam qua con mắt của chính người Mỹ tham chiến, Nhà xuất bản Công an Nhân dân giới thiệu cuốn hồi ký chính trị “Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc”.

Từ một sĩ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc, Daniel Ellsberg trở thành người khiến “cả nước Mỹ kinh hoàng” và bị giới cầm quyền Mỹ lúc ấy xem là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ” khi ông công bố những tài liệu tuyệt mật phơi bày những dối trá của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam.
 Người dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng ngày 30/4/1975.
Sau 2 năm sang công tác ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra, quan điểm của Ellsberg đã thay đổi, từ chỗ đánh giá Việt Nam là một “vấn đề cần giải quyết” thành “đó là một bãi lầy” mà Mỹ cần rút khỏi. Năm 1967, ông làm việc cho một dự án nghiên cứu tối mật của McNamara về Việt Nam giai đoạn 1945 - 1968. Sau khi đọc hết toàn bộ 7.000 trang tài liệu tuyệt mật (sau này nổi tiếng với tên gọi “Tài liệu Lầu Năm Góc”), Ellsberg hiểu ra rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là một cuộc chiến do Mỹ khơi mào. Tháng 10/1969, Ellsberg bắt đầu sao chụp 7.000 trang tài liệu mật và trao một số trang cho một vài nghị sĩ nhưng không mang lại hiệu quả. Tháng 3/1971, Ellsberg trao bản sao cho tờ New York Times và từ ngày 13/6/1971, một số nội dung chính của tài liệu tuyệt mật này đã được công bố, tạo ra một cơn chấn động trong dư luận Mỹ. Trong thời gian trốn truy nã, Ellsberg tiếp tục tiết lộ tài liệu cho hơn một chục tờ báo khác đăng tải, ông còn gửi cho thượng nghị sĩ Mike Gravel để chuyển thành tư liệu âm thanh lưu tại Thượng viện Mỹ.

Ngày 28/6/1971, Ellsberg quyết định ra đầu thú tại Tòa án liên bang Boston và sẵn sàng đối mặt với bản án phạt tù lên tới 115 năm. Tại thời điểm này phong trào phản chiến lên cao chưa từng thấy, lại xảy ra vụ bê bối “Watergate” khiến Tổng thống Nixon phải từ chức. Dưới áp lực từ nhiều phía, ngày 11/5/1973, tòa án tuyên hủy vụ xét xử và trả tự do cho Ellsberg.

Tất cả những sự kiện trên đã được chính tác giả thể hiện hoàn chỉnh trong cuốn hồi ký chính trị “Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc” được xuất bản vào năm 2002 và vừa được dịch giả Quang Dzoãn chuyển ngữ. Sách vừa được giới thiệu trong Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần 10 (cuối tháng 3/2018).q