Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một sách: Gặp lại truyện cổ Andersen

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu, truyện cổ Andersen đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Ai trong chúng ta lớn lên mà không ấn tượng với hình ảnh “Chú lính chì dũng cảm”, “Nàng công chúa và hạt đậu”, “Cô bé bán diêm”… Ở Việt Nam, đã có nhiều ấn bản “Truyện cổ Andersen” được xuất bản, nhưng đây là lần đầu tiên NXB Kim Đồng giới thiệu tới độc giả bản dịch “Truyện cổ Andersen” của dịch giả Trần Minh Tâm đầy đủ nhất, giữ nguyên vẹn tinh thần bản gốc Đan Mạch.
 
Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết: “Em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn Andersen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và sự công bằng”. Truyện của Andersen phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Khi còn nhỏ, độc giả tí hon thấy ở truyện Andersen thế giới tưởng tượng xa xôi có yêu tinh, nhưng cũng có nàng tiên. Lớn hơn chút nữa, bạn đọc nhìn thấy ở các nhân vật sự cố gắng vượt khó để tiến tới công lý và cuối cùng là chân lý. Bạn đọc đứng tuổi sẽ tìm được những linh nghiệm về lẽ đời, đạo làm người, những triết lý sinh động. Chính vì vậy, trải qua nhiều năm, truyện cổ Andersen trở thành sách gối đầu giường của nhiều độc giả Việt Nam.

Là người gắn bó với tác phẩm của Andersen hơn 20 năm, dịch giả Trần Minh Tâm đã cho ra mắt tuyển tập truyện cổ tích thiếu nhi năm 2003 với 88 truyện. Sau đó bộ sách được cập nhật tới hơn 100 truyện. Để ghi nhận những đóng góp trong việc phổ biến rộng rãi tác phẩm của bậc thầy kể truyện cổ tích tại Việt Nam, giải thưởng Hans Christian Andersen 2018 đã vinh danh dịch giả Trần Minh Tâm. Đây là lần tái bản thứ 16 của tuyển tập truyện Andersen do Trần Minh Tâm dịch. Và ở Việt Nam, có nhiều dịch giả chọn dịch truyện cổ của Andersen, nhưng bản dịch của Trần Minh Tâm vẫn được yêu thích vì truyền tải được cái gốc tinh thần của tác giả. Chính vì vậy, vào dịp quốc tế thiếu nhi năm nay, phiên bản mới được NXB Kim Đồng lựa chọn xuất bản, ngay sau khi Trần Minh Tâm vừa nhận giải thưởng từ Đan Mạch trở về.