Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Món lươn rất tốt cho sức khỏe nhưng những ai không nên ăn ?

Vân Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lươn là thực phẩm bổ dưỡng, giúp bổ máu, phát triển thể chất. Tuy nhiên có một số nhóm người được khuyên nên tránh xa món ăn này vì có thể ảnh hưởng sức khỏe.

Lươn là thực phẩm bổ dưỡng, tuy nhiên cần tránh sử dụng khi bị bệnh gout, mỡ máu cao.
Lươn là thực phẩm bổ dưỡng, tuy nhiên cần tránh sử dụng khi bị bệnh gout, mỡ máu cao.

Một số lợi ích khi ăn lươn

Điểm danh một số lợi ích của lươn mà bạn sẽ nhận được khi ăn đó là:

_ Tác dụng bổ dưỡng, phục hồi sức khỏe, phát triển thể chất: Nguồn dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất dồi dào khiến lươn trở thành thực phẩm giúp người bệnh, người già hồi phục sức khỏe, trẻ em phát triển thể chất, mẹ bầu bồi bổ cơ thể. Các vitamin, khoáng chất giúp cân bằng độ pH trong cơ thể, cải thiện tiêu hóa và trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

_ Tốt cho não, cải thiện trí nhớ: Lươn rất giàu DHA và lecithin, là thành phần chính cấu tạo nên màng tế bào các cơ quan của con người và là dưỡng chất không thể thiếu cho tế bào não. Theo dữ liệu nghiên cứu thực nghiệm của Mỹ, bổ sung lượng lecithin thường xuyên có thể cải thiện 20% trí nhớ. Các acid béo không bão hòa trong lươn có lợi cho cho sự phát triển não. Vì vậy, ăn thịt lươn có tác dụng bổ não, cải thiện trí nhớ và học tập, có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

_ Bổ máu, ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt: Một chế độ ăn uống ít chất sắt, vitamin B12 và folate làm tăng nguy cơ thiếu máu. Hàm lượng những chất này trong lươn rất dồi dào, giúp tạo ra đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.

_ Cải thiện sức khỏe của da, tóc, móng: thịt lươn đem lại lợi ích sức khỏe cụ thể hơn đối với phụ nữ như giảm nếp nhăn và cải thiện sức khỏe của da, nuôi dưỡng da, tóc và móng nhờ hàm lượng lớn collagen trong lươn. Arginine trong thịt lươn có chức năng quan trọng là ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú.

Những ai không nên ăn lươn?

_ Người bị bệnh gout không nên ăn lươn: lươn là thực phẩm giàu đạm, người bệnh gout ăn lươn sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.

_ Người bị mỡ máu cao nên hạn chế ăn thịt lươn ở dạng chế biến chiên xào, nên chế biến bằng cách hấp, luộc, nấu cháo, nướng…

_ Người bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu, không nên ăn lươn.

_ Những người đang dùng thuốc hà thủ ô đỏ: hà thủ ô đỏ chủ yếu được biết đến như là một vị thuốc bổ, trị suy nhược thần kinh, ích huyết, khỏe gân cốt, đen râu tóc... Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc hà thủ ô đỏ nên kiêng ăn cá không vảy như lươn, chạch.

_ Trẻ em trên 1 tuổi có thể ăn các món ăn từ thịt lươn, tuy nhiên không lạm dụng cho trẻ ăn quá nhiều vì lươn dễ gây dị ứng ở một mức độ nhất định. Những bé có tiền sử bị dị ứng cần hết sức thận trọng khi ăn thịt lươn. Nên cho ăn thử 1 ít vào lần đầu và quan sát biểu hiện dị ứng để xử trí kịp thời.

Lưu ý khi chế biến lươn

_ Không ăn lươn cùng thực phẩm có tính hàn: các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, sau khi ăn lươn, chạch bạn không nên ăn các thực phẩm mang tính hàn như chuối tiêu, tôm cua biển, dưa hấu... vì kết hợp những thực phẩm này với nhau có thể khiến bạn bị ngộ độc.

_ Không ăn lươn đã chết: Tuy thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất Histidine tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết hợp chất này có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine. Bình thường, cơ thể người có thể chịu đựng một hàm lượng chất độc này, nhưng nếu hàm lượng cao hoặc cơ thể yếu, mới bệnh xong hoặc trẻ em có sức đề kháng kém sẽ có nguy cơ bị ngộ độc rất cao.

_ Không ăn lươn chưa chín: trong lươn có một loại ký sinh trùng rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Nếu chỉ xào qua, những ấu trùng này vẫn sống và sẽ theo đường ăn uống đi vào cơ thể bạn.