Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong con mê học môn Lịch sử

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng tôi nhớ về chuyện học Lịch sử của con em mình.

Mới đây, khi ngồi ăn cơm, tôi xem truyền hình và được nghe những lời thổ lộ của những nhà giáo về việc môn Lịch sử là một trong 5 môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai từ niên học 2022 - 2023.

Các nhà giáo đều băn khoăn liệu học sinh có bỏ môn học Lịch sử? Liệu các em có sẽ là thế hệ bị hổng kiến thức rất cần thiết là lịch sử của đất nước, dân tộc? Có người trước đây còn cho rằng, nếu đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn không khác gì xóa môn học này khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Tôi quay lại đứa con chuẩn bị lên lớp 10 và sẽ thụ hưởng chương trình giáo dục phổ thông mới: “Con có thích học môn Lịch sử không?”. Nó trả lời: “Có”. “Vậy con có thích học Toán không?”. Nó nhanh chóng đáp dứt khoát: “Không”.

Viết lại đoạn hội thoại trên để thấy: Không phải đứa trẻ nào cũng không thích môn Lịch sử. Cũng không phải đứa trẻ nào cũng thích môn Toán. Nhưng Toán gần như là môn ai cũng đồng ý phải học bắt buộc; còn Lịch sử thì có thể là có hoặc không.

Không ai có thể phủ nhận là kiến thức lịch sử là rất cần thiết trong hành trang của mỗi con người. Tuy nhiên đã hàng chục năm qua, chúng ta đưa Lịch sử là môn học bắt buộc nhưng hiệu quả ra sao thì ai cũng biết qua kết quả trong các kỳ thi tốt nghiệp.

Đọc trên báo, chúng tôi thấy nhận xét của GS.TS Vũ Minh Giang là xác đáng. Vị giáo sư này nhận định, bản thân môn Lịch sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài do nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung dạy cụ thể, diễn biến, ngày, tháng… nên học sinh rất sợ vì khó nhớ. Ông nói: "Chúng ta đã và đang dạy lịch sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy môn Lịch sử hiện nay tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn hơn".

Điều mà GS.TS Vũ Minh Giang nói chắc được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, tư duy đưa môn Lịch sử là môn tự chọn có lẽ xuất phát từ lượng giá khác. Với tư cách là người dân, là phụ huynh, chúng tôi thiết nghĩ bằng cách nào đó, dù môn Lịch sử bắt buộc hay tự chọn thì cũng nên tìm cách để học sinh hướng về, yêu thích nó.

Có lẽ như đã nói, đầu tiên là tìm cách khác để truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh. Nên cho học sinh tiếp cận môn học này dưới dạng những câu chuyện hấp dẫn chăng? Ví dụ: Về “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 gắn với rất nhiều nhân vật lẫy lừng, những câu chuyện đã trở thành huyền thoại đi vào lịch sử của dân tộc và của cả thế giới. Hay tới đây là Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, học sinh sẽ biết nhiều hơn về lịch sử dựng nước của các vua Hùng qua việc tự xây dựng kịch bản và diễn kịch về thời kỳ này dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn chẳng hạn…

Nhà trường có thể cho học sinh đi tham quan các bảo tàng theo từng chủ đề để hiểu hơn về các thời kỳ, nhân vật lịch sử. Đặc biệt, các trường nên xây dựng các chuyên đề lịch sử thú vị, ngắn để thuyết giảng cho các em, khơi dậy sự ham hiểu biết về lịch sử cũng như cách tự tìm tư liệu lịch sử để học.

Lịch sử là môn học về quá khứ, nhưng rất cần cho hành trang của mỗi người trong hiện tại và cho tương lai. Không hiểu biết lịch sử, người học gần như không có căn bản, gốc rễ để định hướng cuộc đời mình, thiếu chiều sâu văn hóa. Bởi vậy, môn học Lịch sử dù bắt buộc hay tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng nên được coi trọng.