Trước hết, V-League 2012 chưa khởi tranh nhưng cuộc đua trụ hạng đã bất ngờ nóng bỏng ngay trước vạch xuất phát khi từ chỗ chỉ có 2 suất rớt hạng mùa giải tới như dự thảo điều lệ được VFF đưa ra ngày 25/11, nay suất rớt hạng sẽ tăng thành 2,5 suất. Đó là vì ngày 7-12, CLB An Giang chính thức được cổ phần hóa và dự Giải Hạng nhất với tư cách một CLB chuyên nghiệp với tên mới là Hùng Vương An Giang (lấy từ tên của nhà tài trợ là Công ty chuyên về kinh doanh hải sản Hùng Vương). Hiện Giải Hạng nhất đã có 12 đội chuyên nghiệp, theo tiêu chí, nếu trước 17 giờ ngày 16/12 có thêm 1 đội đăng ký lên chuyên nghiệp sẽ phải sửa đổi điều lệ quy định suất rớt hạng. Bởi thế việc An Giang tuyên bố cổ phần buộc điều lệ giải phải thay đổi, nâng suất rớt hạng ở V-League 2012 lên thành 2,5 suất.
Những cái mới của V-League 2012 so với những mùa giải trước bắt nguồn từ sự xuất hiện của Công ty điều hành giải VPF. Để khắc phục tiêu cực tồn tại dưới nhiều hình thức, VPF đã có những thay đổi trong Dự thảo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp 2012.
Đầu tiên là sự xuất hiện của Ban trọng tài thay vì Hội đồng trọng tài quốc gia như trước. Ban trọng tài trực thuộc VFF và độc lập với VPF. VFF sẽ chịu trách nhiệm phân công trọng tài, giám sát trọng tài, còn VPF sẽ phân công giám sát trận đấu.
Hành động mạnh tay tiếp theo là VPF xóa bỏ tình trạng ông "bầu" sở hữu nhiều CLB trên cùng giải đấu… Trong phần quy định trách nhiệm của từng CLB do các thành viên VPF soạn thảo nêu rõ: "Tổ chức hoặc cá nhân không được phép sở hữu nhiều CLB, đội bóng tham gia trong cùng một giải đấu. Không được có bất cứ thành viên nào trong gia đình cá nhân đó là thành viên, cổ đông, đối tác thương mại, nhà tài trợ hoặc cố vấn của CLB khác…". Tình trạng ông chủ sở hữu 2 đội bóng cùng góp mặt trên sân chơi V-League mới chỉ có ở tập đoàn T&T, dưới vai trò là nhà tài trợ chính cho CLB Hà Nội T&T (Công ty cổ phần thể thao T&T) và SHB Đà Nẵng (Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng). Bầu Hiển là chủ sở hữu của Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng với những quyết định quan trọng về lực lượng, khung lương - thưởng cho các cầu thủ…
Từ thực tế sân cỏ V-League những mùa bóng gần đây, tầm ảnh hưởng của các cầu thủ ngoại gần như tuyệt đối ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của nội binh. Thế nên, VPF sẽ áp quy định mới là hạn chế ngoại binh ở V-League. Cũng phải thấy rằng, các cầu thủ ngoại bởi ở những cầu thủ này vẫn có nhiều yếu tố trội hơn nội binh, từ thể hình, kỹ thuật cho đến sự chuyên nghiệp nên VDF tính chuyện thu hút cầu thủ Việt kiều để lấp chỗ trống. Từ mùa giải 2012, cầu thủ có bố hoặc mẹ là người Việt sẽ được coi là nội binh, dù họ chưa nhập quốc tịch Việt Nam. Ý tưởng này của VPF ấy rất hay vì sẽ giúp V-League thu hút được nhiều hơn sự chú ý của những tài năng, nhưng để biến ý tưởng đó thành hiện thực lại không hề đơn giản bởi trên thế giới xưa nay chưa hề có tiền lệ. Trên tinh thần luật FIFA, việc xác định cầu thủ nội hay ngoại đều phải dựa trên quốc tịch của cầu thủ đó đang nắm giữ chứ không có bất kỳ ngoại lệ nào khác. Ví như ở bóng đá Ý danh thủ Lionel Messi có gốc gác người Ý di cư nhưng chưa bao giờ nước Ý nghĩ tạo điều kiện để những cầu thủ như Messi thi đấu ở Serie A như một cầu thủ Ý. Còn như tiền vệ Mauro Camoranesi là người gốc Ý sinh ra, lớn lên ở Argentina. Khi mới sang Ý thi đấu ( năm 2000) cho Verona, Camoranesi là cầu thủ ngoại. Cho đến năm 2003, khi nhập tịch Italia, Camoranesi mới chính thức thi đấu ở Serie A với tư cách cầu thủ nội và sau đó được gọi vào Azzurri.
Luật FIFA quy định rõ ràng về mặt quốc tịch cầu thủ như thế, BĐVN dù muốn thu hút nguồn lực của người Việt xa xứ theo cách trên sẽ đứng trước nguy cơ xảy ra kiện tụng pháp lý. Việc mở cửa cho cầu thủ Việt kiều đồng thời siết chặt "quota" cầu thủ ngoại sẽ khiến các cầu thủ ngoại thi đấu ở Việt Nam mất cơ hội kiếm việc nên coi đây điều này là sự bất bình đẳng mà VPF tạo ra và họ sẽ nộp đơn khởi kiện lên FIFA hay Tòa án Thể thao quốc tế (CAS)? Chưa kể các nội binh bị các cầu thủ gốc Việt tranh chấp mất vị trí cũng sẽ rất bức xúc… Thu hút nguồn lực Việt kiều là chính sách đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện khoảng 3 năm qua, đặc biệt trong mảng cấp lại quốc tịch Việt Nam cho Việt kiều đã được mở rộng. Rất nhiều Việt kiều về nước làm ăn, sinh sống đã xin lại được quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ được quốc tịch nước sở tại. Do vậy dù muốn hay không để mở cửa cho cầu thủ Việt kiều về quê hương cống hiến, trước hết VPF phải tuân thủ theo luật pháp VN lẫn luật FIFA.
Những quy định trên sẽ được trình Đại hội cổ đông VDF thông qua vào ngày 14/12. Hy vọng những cái mới sẽ tạo nên cú đột phá cho V. League dưới sự điều hành của VPF.