Trong cuộc sống, biết ứng xử một cách tế nhị là biểu hiện của sự thông minh, biết tôn trọng người khác, biết tạo sự hài hòa, làm giảm khoảng cách về điều kiện kinh tế, địa vị xã hội ở cộng đồng. Trong quan hệ vợ chồng, sự tế nhị còn cần thiết hơn nhiều lần, nhưng chị lại không ý thức được điều đó. Ngay từ khi quen rồi yêu nhau, anh đã biết cái bản tính “ruột để ngoài da” của chị. Chị lúc nào cũng oang oang, nhưng một lúc là quên ngay, không giận ai, cũng chẳng để bụng điều gì. Lúc lấy nhau, anh không coi đó là chuyện lớn. Rồi sau đám cưới, những lần chị ứng xử “vô tư”, anh cũng đã nhắc nhở, góp ý, chị luôn vui vẻ tiếp thu rồi cười xòa: “Đúng là em vô ý quá, quen cái kiểu ăn nói bô bô, nhiều lúc có nghĩ gì đâu”. Nói là thế nhưng chỉ được vài hôm, chị lại y nguyên như cũ. Càng về sau, tính “vô tư” càng nặng, anh càng ngày càng nhiều lần “mất mặt” vì sự bỗ bã và thiếu tế nhị của vợ.
Có lần, cả gia đình nội ngoại cùng ăn cơm, một người bạn của em anh bảo chị: “Em thấy chị là nhất, có chồng vừa tài, vừa đẹp trai, lại chiều vợ con”, thì chị không nghĩ gì, đốp lại luôn: “Nhất thì tôi nhường cho cô đấy! Chỉ được cái vẻ ngoài thôi, chả ra gì đâu!”. Lúc ấy, anh chỉ muốn độn thổ. Anh cũng không thể quên được lần anh mời mấy người bạn tới dùng cơm, đúng lúc không hiểu chị đang giận dỗi chuyện gì, chị cứ giữ bộ mặt nặng trịch và bảo: “Mấy anh cứ ăn uống, em mệt phải đi nghỉ” rồi vào buồng nằm. Anh phải cố pha trò: “Có khi đang nghén” để xua cảm giác ngại ngùng của đám bạn... “Biết làm sao? Chả nhẽ lại bỏ vợ chỉ vì điều này” - anh chán nản tâm sự.
Đỉnh điểm của cái sự “vô tư” đến vô ý của chị là lần một người họ hàng lên chơi, mang cho anh chị ít hoa quả ở quê. Sau khi cả nhà ăn cơm, anh mang túi hoa quả ra. Chị cầm một quả ổi lên rồi hồn nhiên nói: “Quả bé thế này chỉ tổ chát xít”... Ngượng vì vợ, anh “chữa cháy”: “Quà ở quê, đảm bảo sạch và an toàn đấy, em. Khó mà kiếm được ở TP đấy!”. Chờ khách đi khỏi, anh nhẹ nhàng trách chị: “Sao em lại ăn nói thế?”. Chị lại cười, lại xin tiếp thu để rồi chỉ một lúc sau thôi lại thốt ra những câu không đâu vào đâu, làm anh không thể chấp nhận được. Không chỉ họ hàng, mỗi khi có bạn bè anh đến, chị cũng không có được một chút gì gọi là ý nhị, như thấy có người không biết, đi giày vào nhà, chị bảo luôn: “Sao lại đi cả giày lên thế, không thấy nhà sạch à?”. Rồi mặc khi nhà có khách, chị cứ oang oang mắng con, đánh con, khiến thằng bé khóc thét, nhà cửa ầm ĩ cả lên. Có thể nói rằng, từ ngày lấy nhau, chưa một lần anh được tự hào về vợ dù anh luôn tạo điều kiện cho chị thể hiện. Nhiều người nể và quý trọng lối sống tình cảm của anh, nên còn hay qua lại, chứ cứ như vợ anh, chắc họ chẳng bao giờ đến. Có những khi không thể vắng mặt vợ trong những cuộc xã giao, trước khi đi, anh hết lời dặn dò phải ăn uống thế này, đi đứng thế khác, cử chỉ phải lịch thiệp, nói năng phải nhã nhặn khiêm tốn... Nhưng cô ấy cứ “mặc kệ em”, để kết quả là anh không thể “ngẩng mặt” lên để “sang vì vợ”.
Anh cũng biết, vô duyên có thể bắt nguồn từ bản tính vô tâm, nhưng cái kiểu “ruột để ngoài da” bạ đâu nói đó, bạ gì làm nấy của chị chỉ khiến anh xấu hổ. Anh buồn nhất là dù đã nói nhiều, mọi người cũng góp ý, nhưng dường như chị không nhận ra điều đó, không biết mình đang vô duyên, gây khó chịu cho người đối diện mà chị còn cho rằng “chuyện nhỏ, sao anh cứ làm to lên thế” và chị cho rằng chắc anh chán chị rồi nên lúc nào cũng thấy chị không tốt, không hay.
Từ cuộc sống của mình, anh thường “ngưỡng mộ” những người đàn ông có được vợ khéo léo, có thể làm cho chồng hãnh diện. Anh chỉ mong chị hiểu được rằng, cũng như nhiều người đàn ông khác, anh cũng rất coi trọng sĩ diện. Anh không đòi hỏi ở chị một trình độ gì cao siêu, một nghệ thuật ứng xử quá bài bản hay hoàn hảo, anh chỉ mong chị ý thức được tầm quan trọng của khả năng giao tiếp, bởi nó không chỉ làm chồng hãnh diện mà còn khiến chính chị được mọi người xung quanh yêu mến, tôn trọng. Anh không muốn cuộc hôn nhân của mình lại đổ vỡ và mệt mỏi bởi những điều chị coi là “vụn vặt” ấy.
Ảnh minh họa.
|