Mong muốn bảo tồn nghề truyền thống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sân thượng khoảng 30m2 trên tầng 4 của ngôi nhà nằm trong ngõ đường Khâm Thiên đã "biến thành" sân khấu rối nước nhỏ và một góc dành cho việc chế tác những con rối…

 Sân khấu nhỏ nhưng lại ấp ủ cả một ước mơ lớn của "ông chủ" - nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trong việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Anh đã trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những dự định của mình bằng sự hứng khởi và ngập tràn hy vọng.

Hiện đại trên nền truyền thống

Sân khấu múa rối của anh được công chúng đón nhận như thế nào sau 3 tuần khai trương, thưa nghệ sĩ Phan Thanh Liêm?

- Từ hôm khai trương (18/10) đến nay, tôi luôn bận rộn với việc tiếp đón đại diện nhiều công ty du lịch đến liên hệ để khảo sát.

Mới đây, người ở tổng đài 1080 gọi điện cho tôi thông báo có rất nhiều khách hàng quan tâm mô hình này. Tổng đài 1080 muốn tôi cho số điện thoại để họ cung cấp cho khách có nhu cầu tìm hiểu. Tôi thật sự rất vui khi hiện nay vẫn còn có nhiều người quan tâm tới nghệ thuật rối nước truyền thống.
 
 
Mong muốn bảo tồn nghề truyền thống - Ảnh 1
 

Diện tích sân khấu quá khiêm tốn so với quy mô của một Nhà hát múa rối, vậy anh đã làm gì để hấp dẫn du khách?

- Nhiều du khách vô cùng bất ngờ khi thấy một sân khấu múa rối nước được dựng trên tầng 4 của ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ của phố Khâm Thiên.

 Trong diện tích rộng chừng 30m2, tôi thiết kế một sân khấu hình bán nguyệt, một chiều rộng 3m, một chiều 3,5m. Để có không gian khung cảnh làng quê, trên sân khấu tôi thiết kế hình ảnh mái đình làng, cây đa, khóm tre trúc, ao làng với những cánh bèo tây được mang từ quê lên. Phần diện tích còn lại của căn phòng sân khấu, tôi kê ghế ngồi cho khoảng 15 - 16 khách. Phía xung quanh là những giá sắt đựng các con rối đa dạng về kích cỡ, để du khách xem hoặc mua về làm quà.

Điều đặc biệt là người xem múa rối nước của tôi, được lội vào "ao" hoặc đứng trên bờ tự điều khiển con rối. Người xem sẽ được nghệ sĩ múa rối giới thiệu các công đoạn làm con rối, được trò chuyện về lịch sử nghề múa rối, truyền thống làm nghề của gia đình nghệ sĩ, được ăn bữa cơm cùng gia đình với những món ăn của người Hà Nội.

Trên sân khấu này hẳn vẫn là những tích trò truyền thống?

- Không chỉ thế! Trò truyền thống của tôi có các tác phẩm: Tễu, Sư tử rừng xanh, Rồng phun lửa, Đua thuyền, Cu Tí cưỡi trâu thổi sáo, Đi cấy đi cày, Múa phượng, Chọi trâu, Long ly quy phượng…

 
Bên cạnh đó, tôi còn có các trò mang tính thời sự. Những trò này không chỉ giải trí mà nhấn mạnh việc giáo dục thế hệ trẻ thực hiện tốt các quy định của an toàn giao thông như: Đua xe mô tô, Hát xẩm về giao thông, Bố đưa con đi học... Tôi vừa sáng tác xong một kịch bản về môi trường. Trò này miêu tả một khu rừng xanh tốt, bìa rừng là một ngôi làng có những người dân sinh sống trong khung cảnh yên bình. Bỗng một ngày xuất hiện một đoàn người lạ vào rừng chặt phá lấy gỗ mang đi tiêu thụ. Hậu quả, mưa xối xả gây ngập lụt, động vật rừng chết ngổn ngang…
 
Tuy nhiên, hiện kịch bản này chưa thể thực hiện các khâu tiếp theo, bởi tôi đang gặp khó khăn khi đầu tư cho sân khấu nhỏ. Tôi đang mong muốn có tài trợ để trò diễn nhanh chóng được hoàn thiện, góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường.
 
Bảo tồn từ giới trẻ
 
Hiện nay, nhiều người trẻ tuổi không còn thích nghe, xem những loại hình nghệ thuật truyền thống. Anh "đối diện" với thực trạng này thế nào?
 
- Tôi sẽ tiếp tục sáng tác các trò hiện đại có nội dung thời sự, phù hợp với độ tuổi. Cụ thể, khi diễn phục vụ học sinh, sinh viên tôi luôn có trò Đua xe môtô; khi diễn cho các bé mẫu giáo, tôi có trò Bố đưa con đi học... Ở mỗi trò diễn, tôi đều chuyển tải một thông điệp để người xem có suy nghĩ về hành động của mình, để rồi điều chỉnh cho phù hợp.
 
Tôi nghĩ, môn nghệ thuật truyền thống nào cũng có sự phát triển, nhưng có giới hạn và phải có điểm dừng. 
 
Mong muốn bảo tồn nghề truyền thống - Ảnh 2
 
 
Biểu diễn ở sân khấu tại gia với lượng khách không lớn, liệu ý tưởng bảo tồn và quảng bá nghệ thuật múa rối nước của anh có thành công?
 
- Tôi có 2 sân khấu múa rối nước, một cố định ở nhà, một di động. Với mô hình sân khấu nhỏ và di động, tôi dễ dàng đi biểu diễn ở các trường học, hay nước ngoài. Tôi cũng sẽ đi đến các trường mẫu giáo, những vùng sâu, xa, những nơi sân khấu múa rối lớn không đến được để đưa nghệ thuật múa rối đến gần hơn các nhóm công chúng, góp phần bảo tồn nghề cổ của cha ông.
 
Tôi muốn nhấn mạnh, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống nói chung nên được đưa vào trong trường học, từ cấp học mẫu giáo sẽ được các bé rất thích. Muốn vậy, giáo viên mầm non, mẫu giáo phải biết hát dân ca vùng miền, mới giúp được các cháu làm quen với môn nghệ thuật này. Nếu các cháu học lớp 5, 6, 7, 8 mới được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống, e rằng sẽ khó.
Các con của anh có thích múa rối nước?
 
- Tôi thật sự rất vui khi con trai thứ hai mới 4 tuổi đã thể hiện năng khiếu biểu diễn múa rối. Từ khi 3 tuổi, cháu đã thích múa rối nước. Tôi nhớ, khi tôi làm con rối ở tầng ba, hàng ngày cháu thường chạy từ tầng hai lên đòi tôi cho vẽ, sơn con rối. Cháu cũng thích xem tranh ảnh múa rối, thích sắp xếp những con rối, thích được bố cho biểu diễn.
 
Cháu luôn nói: "Bố ơi, lúc nào diễn, bố cứ ngồi đấy để con diễn trước". Bây giờ cũng vậy, mỗi chiều đi học mẫu giáo về, cháu lại đòi: "Bố cho con diễn". Sự yêu thích múa rối của con trai và mọi người là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo, tiếp tục có những trò diễn hay để góp phần gìn giữ nghệ thuật cổ của cha ông.

Xin cảm ơn anh!