Moscow không lo ngại kế hoạch “cai nghiện” khí đốt Nga của EU

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko Valentina Matviyenko nhấn mạnh rằng nước này đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó việc Liên minh châu Âu (EU) ngừng nhập khẩu năng lượng.

Nga chuẩn bị phương án khi EU ngừng nhập khẩu năng lượng của nước này. Ảnh: AP
Nga chuẩn bị phương án khi EU ngừng nhập khẩu năng lượng của nước này. Ảnh: AP

“Chúng tôi không quan tâm đến một kịch bản như vậy (trong việc đình chỉ hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu), nhưng chúng tôi sẵn sàng cho khả năng EU vẫn thực hiện một bước thiếu suy nghĩ như vậy” - hãng tin Tass dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko ngày 29/3.

Trong tuyên bố, bà Matviyenko nhấn mạnh nếu EU từ chối mua năng lượng của Nga, thì nước này sẽ chuyển hướng sang cung cấp cho châu Á và các thị trường khác.

"Khối lượng tài nguyên năng lượng trên thị trường toàn cầu là có hạn. Sau đại dịch, các nền kinh tế hiện đang phục hồi mạnh mẽ, vì vậy nhu cầu năng lượng đối với các quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ chắc chắn sẽ tăng lên. Nếu EU quyết định ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga, thì chúng tôi phải chuyển hướng cung cấp sang các thị trường này," bà Matviyenko nói.

Cùng ngày, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định các công ty nước ngoài cần nắm được rằng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã thay đổi tình hình. Điều này đồng nghĩa rằng họ cần mua và thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không xuất khẩu khí đốt miễn phí và Moscow đang tìm kiếm các biện pháp nhằm giúp việc thanh toán khí đốt trở nên đơn giản, rõ ràng và thực tế. Toàn bộ các phương án thanh toán sẽ được đưa ra vào ngày 31/3 tới.

Trong một diễn biến liên quan, Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov nói với kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 28/3 rằng các nước châu Âu sẽ phải chuyển sang đồng rúp khi thanh toán khí đốt tự nhiên từ Nga, vì lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng tối đa mà Mỹ cam kết cho EU chỉ bằng 10% nguồn cung cấp của Nga.

Trả lời câu hỏi liệu người châu Âu có đồng ý trả bằng đồng rúp hay không, ông Chizhov khẳng định "họ chắc chắn sẽ phải làm điều này".

Trước đó, ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới “những nước không thân thiện,” trong đó có tất cả các nước thành viên EU, sau khi Moscow phải gánh các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Để giảm bớt lo ngại rằng yêu cầu trên của Nga có thể khiến nguồn cung bị thắt chặt và đẩy giá năng lượng tăng cao, Mỹ và EU ngày 25/3 đã ký thỏa thuận, theo đó Washington sẽ cung cấp 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.

Cũng trong ngày 25/3, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thông báo tại Brussels rằng Mỹ và EC sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, lực lượng đặc nhiệm sẽ “làm việc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và những mùa đông tiếp theo”. Mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU khoảng 50 tỷ m3 LNG mỗi năm ít nhất tới năm 2030.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần