70 năm giải phóng Thủ đô

Moscow nói thẳng lý do ký Thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Đại sứ quán Nga tại Mỹ khẳng định Moscow và Minsk có quyền đảm bảo an ninh của mình thông qua hợp tác trong lĩnh vực quân sự-hạt nhân.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 26/5 gọi những bình luận của Nhà Trắng là "giả tạo", cho rằng "trước khi đổ lỗi cho bên khác, Washington nên tự nhìn lại mình một chút".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin trong buỗi lễ ký kết thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Minsk hôm 25/5. Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin trong buỗi lễ ký kết thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Minsk hôm 25/5. Ảnh: AP

"Mỹ đã bố trí hàng loạt vũ khí hạt nhân của họ ở châu Âu suốt nhiều thập kỷ. Mỹ tham gia các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với đồng minh trong NATO, chuẩn bị cho kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào đất nước chúng tôi" - Reuters dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết.

Cơ quan này khẳng định Nga và Belarus "có quyền đảm bảo an ninh của mình bằng mọi biện pháp cần thiết, trong bối cảnh Mỹ đang triển khai một cuộc chiến tranh lai quy mô lớn" nhằm vào họ.

Đại sứ quán Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, quyền chủ quyền của Nga và Belarus là đảm bảo an ninh của hai nước bằng tất cả các biện pháp mà chúng tôi cho là cần thiết, trong bối cảnh Washington tiến hành một cuộc chiến phức hợp quy mô lớn nhằm vào chúng tôi".

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các hành động của Moscow “hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nước này.”

Tuyên bố của Đại sứ quán Nga cũng nhấn mạnh vũ khí hạt nhân chiến thuật không được chuyển giao cho Belarus, “quyền kiểm soát và quyết định sử dụng chúng vẫn thuộc về phía Nga”.

Tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Nga đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và quan chức ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng chỉ trích kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow tại Belarus.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông cảm thấy không vui về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông cảm thấy không vui về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus.

"Cực kỳ tiêu cực, đó là phản ứng của tôi" - Tổng thống Biden trả lời báo giới ngày 26/5 khi được hỏi về thông tin Nga và Belarus ký thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trước đó, hôm 25/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Nga "khiêu khích, vô trách nhiệm".

Cùng ngày, EU cho biết việc Nga ký thỏa thuận và bắt đầu bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus khiến tình hình khu vực leo thang nguy hiểm.

"Đây là động thái sẽ khiến căng thẳng leo thang nguy hiểm hơn nữa" - ông  Josep Borrell,  Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU nói ngày 26/5.

Theo ông Borrell, quyết định này trái với nhiều thỏa thuận quốc tế, cảnh báo mọi nỗ lực làm căng thẳng gia tăng sẽ đối mặt với sự đáp trả mạnh mẽ.

Quan chức EU nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Nga tuân thủ các cam kết. Chúng tôi kêu gọi Belarus dừng hỗ trợ chiến dịch của Nga ở Ukraine, đảo ngược những quyết định chỉ khiến căng thẳng khu vực gia tăng và làm xói mòn chủ quyền của Belarus".

Moscow và Minsk đã ký thỏa thuận cho phép vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai tại Belarus vào ngày 25/5. 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/5 cũng thông báo “việc triển khai vũ khí hạt nhân đã bắt đầu”. Ông Lukashenko nói thêm rằng Moscow không nên lo lắng về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân đang được triển khai ở nước này bởi Minsk sẽ giữ chúng an toàn.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố  rằng Moscow và Minsk đã đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, trong một động thái mà ông nhấn mạnh là không vi phạm các cam kết của Nga về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngay sau đó, Đại sứ Nga tại Minsk Boris Gryzlov nói rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được bố trí gần biên giới phía tây của Nhà nước Liên minh Belarus và Nga.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW), còn được gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW), bao gồm các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phân phối được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế.

TNW bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, mìn sâu và ngư lôi được trang bị đầu đạn hạt nhân. So với vũ khí hạt nhân chiến lược, NSNW kém mạnh mẽ hơn và nhằm mục đích tàn phá các mục tiêu của kẻ thù trong một khu vực cụ thể mà không gây ra sự hủy diệt trên diện rộng và bụi phóng xạ.