Tháng hành động có chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Có thể nói, với chủ đề được nêu, Tháng hành động năm nay đã đặt một vấn đề đúng và trúng.
Thông thường, khi đánh giá thành tựu của các hoạt động vì bình đẳng giới, mọi quốc gia, cộng đồng thường dựa trên những tiêu chí về mức độ phụ nữ tham chính, phụ nữ lãnh đạo các DN hay rộng hơn là mức độ phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội…
Cách đánh giá đó là đúng nhưng chưa đủ và cũng bởi thế nên những năm gần đây các hoạt động hướng tới mục tiêu bình đẳng giới đã được cải thiện, bổ sung.
Một minh chứng là ở Hà Nội, TP đã triển khai nhiều chính sách, chương trình chuyên đề, đặc thù liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt là các chương trình, dự án nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực của phụ nữ trong khởi nghiệp hay tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan tới phụ nữ…
Từ cách làm đó, các chỉ tiêu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, từ thực tế cuộc sống, có cảm nhận là những việc làm cùng kết quả trên, đa phần là nhờ các nỗ lực mang tính khách quan, từ các cơ quan của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội…
Hay nói cách khác, trong những kết quả được ghi nhận, chưa thấy rõ dấu ấn chủ quan của người phụ nữ, hay trẻ em gái, đối tượng đáng quan tâm nhất của các hoạt động vì bình đẳng giới.
Phân tích đánh giá sâu hơn từ thực tế cuộc sống có thể thấy, dù xã hội có tạo điều kiện thuận lợi bao nhiêu, mà người phụ nữ không tự nhận thức được các vấn đề về quyền năng, vị trí của mình thì các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng khó mà đạt được kết quả như mong muốn.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều chương trình dự án của cả Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đều quan tâm tới việc thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về quyền, vị trí, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong đời sống gia đình và cộng đồng, xã hội.
Mới đây, phát biểu tại buổi lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh luật pháp, chính sách, chương trình để bảo đảm an sinh xã hội, thì công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Như vậy, có thể nói việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm vận động đông đảo người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, tự mình thoát được những định kiến xã hội, ý thức được quyền và trách nhiệm của mình, tham gia tích cực vào các hoạt động bình đẳng giới thì những mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái mới được thực hiện một cách triệt để.
Hy vọng, với chủ đề đúng và trúng đã nêu, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả mới.