Một giải pháp chống biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuần này, tại Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch sẽ diễn ra Hội nghị toàn cầu chống biến đổi khí hậu với sự tham gia của hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước.

KTĐT - Tuần này, tại Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch sẽ diễn ra Hội nghị toàn cầu chống biến đổi khí hậu với sự tham gia của hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước.

Mục tiêu của Hội nghị là tìm được một thỏa thuận thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, để hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Trong số các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, CO2 là thủ phạm chủ yếu.
 
Để hạn chế thải CO2, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều đề xuất như hạn chế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt… hay việc cất giữ khí CO2 không cho chúng bày vào bầu khí quyển.
  
Các nhà khoa học đã đưa ra một ý tưởng, có thể sẽ là một giải pháp cho vấn đề trong tương lai là thay vì cứ thả các đám mây đen CO2 lên bầu khí quyển, người ta thu nó lại và đem “hạ thổ”. Công nghệ mới này có vẻ độc đáo nhưng cũng đang gây rất nhiều tranh cãi. Công nghệ trên có thể được triển khai trên quy mô công nghiệp vào năm 2020. Denis Clodic, chuyên gia về các vấn đề năng lượng thuộc trường Đại học Mỏ Paris cho biết: “Hướng nghiên cứu này đang được đầu tư rất nhiều tiền nên công việc có thể tiến triển rất nhanh. Hiện nay, chúng ta đang ở giữa một cuộc đua công nghệ”.
  
Trên thế giới hiện nay có bốn khu công nghiệp đang vận hành kiểu công nghệ này - hai khu ở Biển Bắc, một khu ở Algeria và một khu nữa ở Canađa. Từ mười năm qua, ở ngoài khơi biển Na Uy, công ty dầu lửa Statoil vẫn bơm vào lớp trầm tích dưới đáy biển một triệu tấn CO2/năm.
 
Tại Pháp, Công ty Total đã được phép thử nghiệm quy trình thu và giữ CO2 tại Trung tâm nhiệt điện Lacq, vùng Pyrénées-Atlantique. Trung Quốc là nước có nguồn than đá còn khá dồi dào và họ sẽ vẫn phải sử dụng nhiều than để phục vụ cho công cuộc phát triển. Các phòng thí nghiệm công nghệ cao của nước này cũng bắt đầu lao vào cuộc chạy đua nghiên cứu công nghệ thu giữ CO2. 
  
Công nghệ này hiện không nhằm vào lượng khí xả ra từ phương tiện giao thông trên đường, mà chỉ dùng để thu hồi khí thải ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, dầu mỏ hay khí đốt, cũng như các nhà máy luyện thép hay xi măng. Đối với các công ty dầu mỏ và khí đốt cũng như các công ty điện lực sử dụng than thì công nghệ đó có sức hấp dẫn rất lớn. Bởi vì việc bơm khí CO2 vào lòng đất sẽ giúp cho họ có thể tiếp tục khai thác nguồn năng lượng hóa thạch mà vẫn không làm thay đổi bầu khí quyển.
 
Theo đánh giá hiện nay, khí CO2 có thể được cất giữ trong nhiều thế kỷ. Trái đất có khả năng chứa tới 10 nghìn tỷ tấn và có ba khu vực có thể cất giữ khí CO2 ở dưới lòng đất với độ sâu từ 1.000- 5.000 m. Rộng lớn nhất là những vùng chứa nước ngầm nhiễm mặn, nằm trong tất cả các bể trầm tích của hành tinh. 
 
Khả năng thứ hai: Sử dụng các túi dầu đang sắp cạn. Cách cất giữ CO2 này có thể đem lại lợi ích cho các công ty dầu mỏ. Các chuyên gia cho rằng CO2 có đặc tính làm cho dầu mỏ bớt bị dính nhớt hơn như vậy hút lên sẽ dễ hơn. Một lợi ích khác cho hướng lựa chọn này đó là các địa điểm này đều đã được biết rõ. 
  
Giải pháp thứ ba là các vỉa than. Nhưng tiềm năng cất giữ của những vùng đó khá hạn chế.

Cho dù cả ba trường hợp vừa nêu có khả thi thì vẫn cần phải đánh giá những rủi ro khi khí CO2 bị chôn thoát ra và phải lắp đặt các thiết bị theo dõi. Trong thời gian hàng nghìn năm, khí CO2 sẽ chuyển hóa bằng cách phản ứng với đất đá và chất lỏng, điều gì sẽ diễn ra sau đó? 
 
Mối quan tâm cuối cùng là giá thành công nghệ. Hiện nay một cản trở cho việc triển khai công nghệ này là giá thành. Để thu và giữ một tấn khí CO2 cần phải tốn khoảng từ 80-100 euro. Đắt nhất trong dây chuyền thu và cất giữ CO2 lại nằm ở việc thu lại lượng khí thải từ các nhà máy. Nhưng với tiến bộ kỹ thuật trong tương lai, giá thành trên có thể hạ xuống 35 euro/tấn.
 
Nhưng có một nghịch lý là nếu muốn bảo đảm cho công nghệ thu và giữ CO2 đem lại lợi nhuận thì giá năng lượng toàn cầu sẽ phải tăng. Theo chuyên gia Denis Clodic, đây lại là điều tốt vì như vậy sẽ buộc mọi người phải giảm bớt tiêu thụ năng lượng.

     

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần