Chiều 3/7, sau khi kiểm tra thực tế tình hình thu mua từ vựa vải tại Lục Ngạn về, ông Phan Văn Hùng thông tin, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 190.000 tấn, đạt khoảng 95%, chỉ còn khoảng 5 ngày nữa là tiêu thụ hết.
Điều đáng mừng này là năm nay, các cấp, các ngành cùng vào cuộc, việc xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh nên thị trường trong nước ổn định, giá vải vẫn giữ nguyên. "Cuối tuần trước, một số thương lái Trung Quốc trở về nước thu mua vải trong nước họ (do nắng nóng lên vải của Trung Quốc chín trùng thời điểm của vải Lục Ngạn - PV) khiến việc mua bán vải trên địa bàn huyện có phần bớt sôi động hơn.
Thu hoạch vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Hùng
|
Tuy nhiên, do chất lượng vải của Trung Quốc không bằng nên dù giá bán chỉ khoảng 1.500 đồng/kg nên mấy ngày nay, thương lái Trung Quốc đã trở lại tiếp tục thu mua vải thiều Bắc Giang. Chính vì thế giá vải loại 1 vẫn giữ ở mức trung bình 25.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 15.000 đồng/kg. “Tôi khẳng định, năm nay, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương nên giá vải thiều ổn định và người trồng được hưởng lợi. Vụ vải năm nay toàn tỉnh ước thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng" - ông Hùng nói. Khi phóng viên đưa thông tin sáng sớm ngày 3/7, vải tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) giá chỉ từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, ông Hùng cho rằng đó là vải kém chất lượng và số lượng có hạn.
Với thâm niên sang thu mua vải thiều Lục Ngạn hơn chục năm, thương nhân Vương Ngọc (Trịnh Châu, Hồ Nam, Trung Quốc) cho biết: "Đến Lục Ngạn hơn một tháng nay, hiện tôi đang thuê 3 điểm để thu mua vải thiều tại địa bàn xã Nghĩa Hồ và thị trấn Chũ, mỗi ngày đóng 5 - 6 xe ô tô loại 13 tấn (tương đương 65 - 78 tấn vải) đưa về Trung Quốc tiêu thụ". Còn chị Trần Thị Thủy (xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn) phấn khởi, năm nay, giá vải bán từ 18 - 20.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 2 - 3.000 đồng/kg nên người trồng vải rất vui. Vụ này gia đình chị thu hoạch được khoảng 4 tấn vải, đem lại một khoản thu nhập kha khá. Phó Chủ tịch huyện Lục Ngạn Lê Bá Thành chia sẻ, từ thực tế tiêu thụ vải thiều năm nay cho thấy, nếu nông sản Việt Nam được làm một cách bài bản từ khâu chỉ đạo sản xuất đến việc quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối DN, cộng với sự quan tâm của các bộ, ngành, các tỉnh, TP sẽ tránh được rất nhiều rủi ro, bớt đi nỗi lo "được mùa rớt giá"...