Tương tự như vậy đối với Iran sau khi nước này tấn công tên lửa nhằm vào lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Hai bên đưa ra lý do khác nhau để lý giải cho hành động quân sự của họ, nhưng trong thực chất thì đều góp phần làm cho tình hình ở Syria không chỉ thêm phức tạp mà thậm chí còn có thể thay đổi cả bản chất. Mặc dù các bên đều công khai tuyên bố chống khủng bố và đối phó IS là mục tiêu chung chứ không chống phá lẫn nhau. Nhưng, trong thực chất, ngoài mục tiêu chống IS và cả đằng sau mục tiêu ấy, bên nào cũng còn có mưu tính chiến lược riêng cho cả trước mắt lẫn lâu dài.Tất cả đều nhằm vào Syria ở thời kỳ sau khi IS bị tiêu diệt hoặc bị đánh bật ra khỏi Syria. Khi ấy sẽ xảy ra một trong 2 kịch bản là có giải pháp chính trị hoặc chiến sự tiếp diễn không phải trực tiếp giữa họ với nhau mà giữa những lực lượng ở bên trong Syria được họ hậu thuẫn đằng sau. Vì mục đích này mà Mỹ đã vũ trang cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Để bảo vệ và trấn an tinh thần cho lực lượng này cũng như làm suy yếu quân đội chính phủ Syria, lực lượng quân đội Mỹ và liên quân đã không ít lần tấn công nhằm vào quân đội Syria - bằng ném bom và phóng tên lửa - và mới đây nhất bằng bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của không quân Syria. Không đáng chú ý sao được khi đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh ở Kosovo năm 1999, Mỹ mới lại bắn máy bay tiêm kích của nước ngoài. Đương nhiên, Mỹ cũng còn chủ ý thăm dò mức độ phản ứng của Nga. Iran trả đũa vụ bị khủng bố, nhưng cũng còn tạo tiền lệ tham chiến trực tiếp vào Syria. Sau này, giải pháp cho Syria có như thế nào thì ai cũng đều có phần mà hiện họ đang gắng gây dựng.