70 năm giải phóng Thủ đô

Một ngày xảy ra 4 trận động đất tại tỉnh Kon Tum

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến động đất phức tạp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cuối giờ chiều nay (23/8), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị các bộ ngành, địa phương chủ động lên phương án ứng phó.

Bản tin vừa được phát đi của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho biết ngày 23/8/2022, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã liên tiếp xảy ra 4 trận trận động đất. Đáng chú ý, trong đó có trận động đất M = 4,7 (Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1).

Tỉnh Kon Tum là địa phương thường xuyên xảy ra động đất.
Tỉnh Kon Tum là địa phương thường xuyên xảy ra động đất.

Không chỉ ngày 23/8/2022, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã xảy ra nhiều trận động đất. Dù cường độ các trận động đất nhìn chung khá nhỏ, tuy nhiên, tần suất diễn ra thường xuyên, liên tục. Nguy cơ ảnh hưởng ngày một đáng lo ngại.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất có thể gây ra, chiều 23/8, Văn phòng Thường trực đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, các bộ ngành không được phép chủ quan.

UBND tỉnh Kon Tum khẩn trương chỉ đạo sở ngành liên quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra. Kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị tỉnh Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết và kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hạ; đồng thời, tránh tâm lý hoang mang, bất an trong dư luận.