Chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại!
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI) đang diễn ra ở Đà Nẵng, ngày 21/9, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan tại hội thảo “ASEAN chuyển đổi số báo chí - kiến tạo tri thức số”.
Báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực đang phải chịu tác động nặng nề của sự bùng nổ công nghệ số bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần bị mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu.
Trong bối cảnh đó, việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.
Chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông.
Chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
Với mục đích đó, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề chuyển đổi số trong truyền thông. Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về những vấn đề như: chính sách, giải pháp của Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông của mỗi nước; phát triển và thúc đẩy nền tảng số cho báo chí, truyền thông; quan điểm và chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số… Bên cạnh đó, giới thiệu cách làm hay, mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông, kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí Việt Nam và những nước ASEAN.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại.
Theo ông Lâm, hiện thói quen tiếp cận thông tin của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Cùng với đó là sự thay đổi về cách trình bày thông tin, thị phần, quảng cáo, mô hình kinh doanh và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ.
“Cơ quan quản lý đã nhìn thấy sự khó khăn của cơ quan báo chí và cũng nhìn thấy sự quyết tâm chuyển đổi số của truyền thông, doanh nghiệp. Cơ quan chức năng sẽ có cách hỗ trợ các cơ quan truyền thông trong việc chuyển đổi số” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Một nửa doanh thu truyền thông “chảy” vào mạng xã hội
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã nêu lên thực trạng khó khăn do sự cạnh tranh từ mạng xã hội mà các cơ quan truyền thông Việt Nam đang phải đối mặt.
Theo ông Phúc, doanh thu truyền thông 4 tỉ USD thì khoảng 50% “chảy” vào nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội. Điều này khiến các cơ quan truyền thông Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn thu, sụt giảm bạn đọc.
Cũng theo ông Phúc, trước tình trạng trên, Chính phủ đã đưa ra định hướng chuyển đổi số báo chí để giúp tăng sức chống chịu và thích nghi trong bối cảnh mới. Đồng thời hướng các luồng quảng cáo xuyên biên giới sang những nền tảng thông tin trong nước, sử dụng báo chí trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng nền kinh tế tri thức dựa vào thông tin báo chí.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết sau thời gian tích cực chuyển đổi số, ứng dụng VTV Go đã thu hút được lượng sử dụng đông đảo. Sắp tới, VTV có kế hoạch tích hợp sâu ứng dụng vào các ti vi thông minh để tăng sức hút người dùng.
Còn CEO kênh truyền hình K+, ông Thomas Jayet thông tin, nạn vi phạm bản quyền trực tuyến khá phổ biến trong khu vực ASEAN, trong đó 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số. Nạn vi phạm bản quyền không chỉ gây thiệt hại với ngành công nghiệp sáng tạo mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Tại Việt Nam, vấn nạn này gây thiệt hại 348 triệu USD cho ngành công nghiệp truyền thông và nội dung trong năm 2022.
Trong khi đó, đại diện Bộ Thông tin và Quan hệ công chúng Thái Lan cho biết, hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng đang có sự thay đổi. Người dân tăng cường tiếp nhận thông tin trên các nền tảng mang tính quốc tế. Bình quân mỗi người dân dành hơn 8 giờ mỗi ngày sử dụng các phương tiện cầm tay để tiếp cận thông tin. Ví dụ, Thái Lan hiện có hơn 19 triệu người theo dõi thông tin thời sự qua Facebook.
Xác định tầm quan trọng của thông tin trong sự phát triển, từ năm 2015, Thái Lan đã khởi xướng nền tảng số phát triển bền vững với sự tham gia của chính quyền. Chính phủ định hướng người dân truy cập các nền tảng thông tin phục vụ lợi ích người dân.
Có thể nói, áp lực cạnh tranh từ mạng xã hội mà các cơ quan truyền thông đang phải đối mặt là rất lớn trong thời đại 4.0 này. Vì thế, chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại.