Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một phụ huynh tên Châu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tôi hỏi anh Châu mà không kỳ vọng anh trả lời nhiều. Vì cuối năm, một người nổi tiếng như anh hẳn rất bận.

KTĐT - Tôi hỏi anh Châu mà không kỳ vọng anh trả lời nhiều. Vì cuối năm, một người nổi tiếng như anh hẳn rất bận. Vả lại, chuyện nuôi dạy con cái vẫn là cái gì đó khá riêng tư của mỗi gia đình. Thế nhưng anh Châu không những trả lời nhiều mà còn trả lời rất “thật thà” nữa.

Một lần đang trao đổi về công việc, tôi có đề xuất một ý kiến hơi "vĩ mô", anh Châu không phủ quyết đề xuất này của tôi mà chỉ góp ý nhẹ nhàng: "Mình chỉ nên làm thật tốt việc mà mình có thể làm được, mình không thể làm thay xã hội".


Tôi có email hỏi anh Châu thế này: Anh thì học phổ thông ở Việt Nam, các cô bé nhà anh học ở Pháp và Mỹ. Anh lại bận làm khoa học, gia đình đi lại di chuyển nhiều. Anh có thấy việc chăm sóc dạy dỗ các con của chính anh có khác với ở Việt Nam không, hay là có khó hoặc dễ hơn không?

Tôi hỏi anh Châu mà không kỳ vọng anh trả lời nhiều. Vì cuối năm, một người nổi tiếng như anh hẳn rất bận. Vả lại, chuyện nuôi dạy con cái vẫn là cái gì đó khá riêng tư của mỗi gia đình. Thế nhưng anh Châu không những trả lời nhiều mà còn trả lời rất “thật thà” nữa.

“Chuyện chăm lo cho trẻ con cũng khó ra phết đấy. Bản thân anh thì thấy có những lúc thất bại. Chán nhất là những cái mình làm sai trong việc chăm lo cho các con thì không sửa được nữa.

Không biết những vật lộn của anh trong việc giáo dục con cái có ích lợi cho ai không vì suy nghĩ ban đầu của anh hơi khác mọi người. Sau một thời gian vật lộn thì có vẻ giống mọi người hơn.

Về chuyện dạy con, anh nghiệm ra như thế này. Cái quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho trẻ con. Cái này anh đã không làm được với cô bé đầu, bây giờ thì đã muộn. Anh đang cố gắng làm tốt hơn với hai cô bé sau. Thứ hai là phải biết lắng nghe con trẻ nói, tôn trọng ý kiến của trẻ như ý kiến của người lớn. Thứ ba là mình vẫn phải làm bố, chứ không phải làm bạn của con.

Lúc đầu anh khá tin vào các ý tưởng, phương pháp về giáo dục. Càng ngày anh càng thấy mấy thứ đấy chỉ áp dụng được cho số lớn, không áp dụng được cho số nhỏ là mình và con cái của mình. Cái chính vẫn là có thời gian cho con mình, biết lắng nghe và động viên con.

Cái sai lầm lớn nhất, mà bản thân anh cũng đã mắc phải, là nghĩ rằng cứ cái gì tốt cho mình, thì phải tốt cho con mình. Biết chính xác cái gì tốt cho con mình khó ra phết. Tiềm năng của mỗi đứa trẻ rất khác nhau, để hiểu được mình cần nhiều thời gian.

Cái khó nhất của người làm bố mẹ là nhận ra đâu là tiềm năng của con mình để giúp nó trở thành khả năng. Tuy vậy có một số việc thì tốt trong mọi trường hợp. Chẳng hạn như mỗi ngày đọc cho trẻ, hoặc cùng đọc với trẻ một câu chuyện.

Nhiều người thích làm cách mạng giáo dục, cứ bắt thầy với trò là bạn, bố với con là bạn. Cái này thì cực kỳ sai lầm. Vì thực ra trò cần mình làm thầy nó, chứ không cần mình làm bạn. Con cần mình làm bố nó, chứ không cần làm bạn. Làm bạn có thể là vui hơn, nhưng trẻ con sẽ bị thiệt thòi.

Làm thầy, làm bố, theo anh, không đồng nghĩa với làm độc tài, mà là có ý thức một số ranh giới mà không thể để trẻ vượt qua vì nó có thể nguy hiểm cho thể xác hoặc cho sự phát triển của tâm hồn. Trẻ sẽ không giận nếu trong một số việc mình quyết định thay cho nó, mà có khi không giải thích được cặn kẽ. Chỉ có điều quyết định của mình phải nhất quán, không tùy tiện, nay thế này mai thế khác.

Có những chuyện không nên nói với trẻ con, điển hình là tiền. Trẻ con nhà anh chỉ hiểu sơ sơ là tiền dùng để mua các thứ đồ dùng và cần tiết kiệm tiền. Hoàn toàn không có khái niệm là phải đi làm để kiếm tiền.

Hôm nọ một cô bé nhà anh làm kiểm tra toán, có một bài không làm được vì không hiểu đầu bài. Về nhà anh mới hỏi: “Con không hiểu cái gì?”. Cô bé mới nói: “Con không biết salary là cái gì”.

Một cô bé khác nhà anh, được bố đưa ra công viên chơi. Anh hỏi cô bé thích chơi trò gì. Cô bé này nói trò gì cũng được, miễn là không tốn tiền. Cô này ky bo giống hệt bố. Biết tiết kiệm chính là cách tốt nhất để không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Có thì tốt, không có thì thôi.

Anh cố gắng lắng nghe các con. Có lần một cô con gái nhà anh nói với bố như thế này: “Bố không quan tâm đến bọn con, bố chỉ quan tâm đến môn toán của bố”. Trẻ con có ưu điểm luôn nói thật. Câu đấy có tính cảnh tỉnh cho bố Châu ra phết.

Câu mà con gái anh nói ra thì hơi oan cho bố Châu, nhưng anh nghĩ là đối với cô bé đầu, thì anh có khuyết điểm thật. Khi cô bé này còn nhỏ thì anh còn trẻ quá, đầu óc bị cuốn hút vào cái Bổ Đề. Bây giờ anh muốn chuyện trò với cô bé ấy nhiều hơn thì không còn nhiều cơ hội nữa”.

Tôi vẫn tò mò về ảnh hưởng của môi trường và xã hội đến việc giáo dục con cái, nên đến đây tôi lại chen vào hỏi thêm: “Anh có nói với em một lần: mình không thể làm thay xã hội được. Nhưng ở khía cạnh giáo dục con, đôi khi xã hội lại làm thay việc của bố mẹ. Xã hội hiểu theo nghĩa gần gũi. Có thể là cộng đồng, nhà trường, bạn bè của các con. Có thể chính là báo chí, truyền hình,... Anh thấy khía cạnh này có gì thuận hoặc nghịch với mong muốn của phụ huynh không? Nhất là khi bố mẹ bận việc mưu sinh, hoặc đơn giản là gia đình phải dịch chuyển quá nhiều.

“Anh cũng đồng ý với em về vai trò của xã hội, theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng, trong việc giáo dục của trẻ con. Bạn bè thân gặp nhau cũng là một dịp để trẻ con chơi với nhau, chơi với nhau để khỏi phải chơi với cái máy tính. Trẻ con luôn cần một mẫu hình để noi theo. Có bạn mình cũng dễ giải thích cho trẻ con hơn, bạn này làm như thế này là không hay, tại sao, bạn này làm như thế này là đúng, tại sao.

Cái chính vẫn là có thời gian cho con mình, biết lắng nghe và động viên con.

Xã hội phương Tây cũng có nhiều cái buồn cười. Khi ở nước mình mọi người vẫn thường chỉ nghĩ nghĩa vụ chính của bố mẹ là kiếm đủ tiền cho con đi học, với mấy ông bà tây thì nghĩa vụ này bao hàm cả nhiều thứ hơn.

Anh có mấy ông bạn già tâm sự rằng, điểm lại hầu hết bạn bè của ông bà ấy là bố mẹ của bạn con. Có nghĩa là ngay hoạt động xã hội của người ta cũng hoàn toàn bị chi phối bởi trẻ con. Cái này thì anh thấy cũng hay, nhưng mà chịu, mình không theo được.

Mọi người hay nói đến chuyện học “làm người” với nghĩa nôm na là học cách ứng xử trong cuộc sống. Theo anh chính gia đình, và cái cộng đồng nho nhỏ những người thân phải đảm bảo vai trò dạy cho trẻ con cách ứng xử trong cuộc sống. Nhiều người muốn đẩy cái vai trò này sang cho nhà trường, nhưng nhà trường làm thế nào mà đảm nhiệm được vai trò đó.

Về cơ bản, thầy cô giáo chỉ có cái bảng đen và mấy quyển sách, nên nếu có dạy làm người thì chỉ có thể dạy làm người trên phương diện lý thuyết. Bố mẹ và những người thân có nhiều cơ hội hơn để dạy cho trẻ con cách ứng xử đúng trong xã hội, tất nhiên điều đó cũng có nghĩa là người làm bố làm mẹ phải biết gương mẫu rồi.

Anh quen một bạn làm doanh nghiệp, cũng hay kêu ca nhà trường không dạy được cho con bạn ấy cách sống, vừa kêu ca vừa đồng thời tiện tay vứt rác qua cửa xe hơi.

Nếu nhà trường đảm nhiệm tốt nhiệm vụ cơ bản của nó là dạy chữ là chúng ta đã nên mừng rồi.

Ngày xưa, ông ngoại anh có tham gia Hướng đạo sinh. Giai đoạn hướng đạo sinh đã để lại một dấu ấn không phai nhạt trong tính cách của ông. Ở trường mấy đứa con anh học, có chương trình phục vụ cộng đồng. Mỗi tuần cô bé lớn phải đến một cơ sở để chuẩn bị đồ ăn và bưng bê phục vụ những người nghèo nhất trong xã hội.

Tuy là anh cũng hơi lo khi con phải đến một khu vực hơi kém về an ninh, nhưng anh thấy là nó học được rất nhiều trong việc đi phục vụ người khác. Ở nước mình bây giờ, hình như Đoàn thanh niên có độc quyền trong những hoạt động xã hội như vậy. Độc quyền cũng không làm sao nếu Đoàn thanh niên thực hiện tốt được nhiệm vụ xã hội đó”.

Các hoạt động kiểu hướng đạo đã quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh rồi anh ạ. Ở công viên Tao Đàn chẳng hạn, cuối tuần đông nghịt các nhóm sinh hoạt kiểu hướng đạo. Em nghĩ hướng đạo không chỉ giúp trẻ em tham gia hoạt động xã hội, hiểu xã hội từ những góc khác, mà còn giúp các em có các kỹ năng để sống (và sau này làm việc) hiệu quả hơn. Anh chắc chắn là chưa tham gia các hoạt động hướng đạo bao giờ rồi. Vậy khi các cô bé nhà anh tham gia hoạt động cộng đồng trở về, anh có học được gì từ cô bé ấy không?

Phong trào hướng đạo đã đóng một vai trò không nhỏ trong lịch sử đấu tranh giành độc lâp. Những con người xuất sắc như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu khởi điểm là những người anh cả của hướng đạo sinh. Rất nhiều người bình thường khác, chẳng hạn như ông ngoại anh, sau khi làm hướng đạo, đã đi kháng chiến.

Những hoạt động tập thể như đi cắm trại, đi bộ, đi xe đạp việt dã, tham gia hoạt động xã hội một cách có tổ chức, có lẽ là cách giáo dục tốt nhất về các kỹ năng sống cho các em. Tuổi vị thành niên là cái tuổi người ta bắt đầu có ý thức về bản thân mình, nên rất say sưa tìm hiểu cái bản thân mình. Vì thế mà khả năng giao tiếp xã hội có phần kém đi so với các em bé cấp một, cấp hai: đấy là cái tuổi nửa ông nửa thằng.

Những ai không thích thì mình cũng không nên ép, nhưng anh nghĩ, phần đông các em thích các hoạt động tập thể nếu nó không đi kèm với quá nhiều tiết mục giáo điều. Hồi đi học cuối cấp hai, có lần anh với một cậu bạn, tổ chức cho lớp đi cắm trại chùa Hương. Vì chỉ đủ tiền để thuê xe bus, không có tiền để đi đò, lúc lên đến nơi phải nhờ mấy đứa trẻ con thổ dân dẫn đi lội ruộng trước thăm chùa sau.

Anh thấy trẻ con có khả năng thích ứng nhanh thật. Ở chỗ phục vụ cộng đồng, cô bé lớn nhà anh vừa bưng đồ ăn cho mấy ông bà tây đen to béo, lại còn vừa cười đùa vui vẻ. Anh rất muốn học được cái khả năng đó từ cô bé lớn, nhưng khó quá. Mình quen là nói gì cũng phải nghĩ rồi, nên nhiều lúc cần nói dăm ba chuyện vui vẻ cho những người xung quanh ấm lòng thì không làm được một cách tự nhiên nữa.

Theo như anh nói thì có vẻ như anh đã mất bớt thiện cảm với các phương pháp giáo dục, cụ thể ở đây là phương pháp giáo dục con cái. Em nghĩ giáo dục thì chỉ nên có triết lý, và triết lý này cũng chỉ nên ẩn đằng sau, thay vì có phương pháp cụ thể.

Một số nguyên tắc kinh nghiệm mà anh đề cập ở trên, có thể hiểu như là triết lý ẩn đằng sau “sự nghiệp” giáo dục con cái của riêng anh. Nhưng ở phần đào tạo, em nghĩ là cần phương pháp chứ nhỉ? Khi anh kèm một cô bé nhà anh học bài hoặc học làm một việc gì đó, hẳn anh phải có một phương pháp cụ thể, dù rằng phương pháp này rất linh hoạt.

Cũng như anh lên giảng đường, truyền tải một bài học đến sinh viên, hẳn anh cũng có một phương pháp để đào tạo học trò của anh giỏi như thầy. Nếu có những phương pháp như vậy, anh kết nối các nguyên tắc (triết lý) giáo dục của anh vào phương pháp thế nào để nhuần nhuyễn?

Anh rất mê tín phương pháp. Học cái gì cũng phải có phương pháp, chứ không thể học kiểu lãng tử được. Chẳng hạn như Cẩm-Sa viết văn giỏi rồi thì không cần nhớ cấu trúc mở bài, thân bài, kết luận nữa. Nhưng trẻ con thì cần phài được gò vào cái khuôn đó. Sau đó thì mới có như cầu nổi loạn, phá cách. Trước hết phải có cách thì mới có cái mà phá, chứ ngày từ đầu mà đã hỗn mang thì mức độ sáng tạo sẽ rất vừa phải.

Trước khi vẽ người thành khối vuông, ông Picasso đã hình họa rất đúng tỉ lệ. Nhiều người bây giờ cứ tưởng tự do sáng tạo là vẽ lung tung, muốn vẽ gì thì vẽ. Anh Trần Trọng Vũ nói với anh là nhiều người bây giờ học Beaux-arts mà vẽ không đúng tỉ lệ.

Phương pháp viết văn là cái riêng của Cẩm-Sa. Phương pháp hội họa là cái riêng của từng họa sỹ. Toán, lý cũng như thế. Anh cảm thấy lo ngại với các triết lý giáo dục khi người ta muốn lấy nó làm tiền đề mà từ đó suy ra các phương pháp. Theo ý kiến riêng của anh, các triết lý chung chỉ nên dừng ở mức là bảo mình không nên làm gì, chứ không nên bảo mình phải làm gì và phải làm như thế nào.

Em thấy đề tài này còn có nhiều góc khác để thảo luận thêm. Nhưng em xin tạm dừng ở đây vì năm cũ đã sắp hết, anh cần thời gian để làm việc nhà nữa. Chúc anh và gia đình một mùa Giáng sinh an lành và một Năm mới nhiều niềm vui và may mắn.