Ngày 17/3, Công an TP Hồ Chí Minh thông báo tìm nhân chứng hoặc những ai biết việc về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, vào đầu tháng 5/2019 thông qua mạng xã hội, chị N.T. Hoa có quen với một người đàn ông tên Jeffrey Buchanan (tự giới thiệu là Thiếu tướng quân đội Hoa Kỳ). Jeffrey Buchanan cho biết sẽ về Việt Nam thăm chị Hoa, nên nhờ chị này viết thư xin nghỉ phép gửi đến hộp thư điện tử United-Nationorg@tom.com của Liên Hợp Quốc.
Mặc dù ngành công an nhiều lần cảnh báo, nhưng còn không ít người bị lừa bởi “bẫy tình” trên mạng, và những cuộc gọi điện giả danh cơ quan pháp luật. |
Sau đó chị Hoa dùng hộp thư điện tử của mình viết thư gửi đến United-Nationorg@tom.com để xin nghỉ phép cho Jeffrey Buchanan, thì nhận được yêu cầu trả 11.500USD phí bảo hiểm, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn cho Jeffrey Buchanan. Thực hiện yêu cầu, chị Hoa chuyển 267 triệu đồng và mất trắng.
Ngoài vụ lừa đảo nêu trên, Công an TP Hồ Chí Minh còn thông tin vụ giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa và lừa của chị T.H.M số tiền 1,4 tỷ đồng. Theo đó, khoảng 10 giờ ngày 10/9/2020, chị T.H.M nhận được cuộc gọi điện thoại của đối tượng giả danh Công an cho biết chị T.H.M có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền và có Lệnh bắt để tạm giam. Tiếp đó các đối tượng yêu cầu chị T.H.M không được tắt máy điện thoại và kết bạn zalo với tên “Bùi Hùng Dũng” để gửi lệnh bắt tạm giam cho chị T.H.M xem. Lo sợ nên chị T.H.M đã chuyển 1,4 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của các đối tượng giả danh. Khi biết bị lừa, chị T.H.M báo công an.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, đối với loại tội phạm lừa đảo bằng chiêu “bẫy tình” trên mạng xã hội, bọn chúng thường đóng giả là người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội (Bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ...) đưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại nước ngoài hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria…, ngỏ ý làm quen, kết bạn, hứa hẹn kết hôn, bảo lãnh đi nước ngoài và ngỏ ý gửi tặng quà... có giá trị lớn (trong đó có nhiều tiền, vàng...) để mua nhà tại Việt Nam, để làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư kinh doanh…
Khi nạn nhân đã cắn câu, băng nhóm lừa đảo cho người đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan hoặc thuế vụ... thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị. Tiếp đó lại thông báo phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót…, rồi cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền và bọn lừa đảo rút chiếm đoạt.
Còn đối với loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại, các đối tượng thường xưng danh là cơ quan pháp luật (Công an, Tòa án, Viện KSND) thông báo nợ cước điện thoại hoặc liên quan một vụ án rửa tiền, ma túy. Chúng thường dùng lời lẽ dọa nạt yêu cầu nạn nhân phải hợp tác phục vụ điều tra, nếu không chịu hợp tác và làm theo hướng dẫn sẽ bị xử lý về hình sự. Sau đó chúng yêu cầu nạn nhân giữ bí mật không được báo cho người nhà biết, dò hỏi thông tin cá nhân, số tài khoản, hiện có những khoản tiền đang gửi ở đâu, yêu cầu chuyển vào tài khoản cho “cơ quan pháp luật” kiểm tra rồi sẽ trả lại trong vài giờ. Tiếp đó các đối tượng đưa số tài khoản do người Việt Nam đứng tên đã chuẩn bị sẵn và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền chuyển tiền vào.
“Để không trở thành nạn nhân của những kiểu lừa đảo nêu trên, không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài mà mình hoàn toàn không biết hoặc người lạ qua mạng xã hội. Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế. Còn đối với những cuộc điện thoại lạ gọi đến đe dọa, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu các đối tượng gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, như: Bấm phím số trên máy điện thoại, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển), báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý”, Công an TP Hồ Chí Minh hướng dẫn cách đề phòng bị lừa đảo.
Trở lại 2 vụ lừa đảo nêu trên, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị ai biết thông tin về đối tượng sử dụng hộp thư điện tử United-Nationorg@tom.com, và đối tượng sử dụng tài khoản zalo “Bùi Hùng Dũng” hãy liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP tại số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 - Gặp điều tra viên Phùng Thanh Tròn, điện thoại: 0938.909.294, để cung cấp thông tin.