Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại: Sau ba ngày bị đánh phá, việc vận chuyển đạn bị ùn tắc, đặc biệt đường giao thông vào Hà Nội phải qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống càng thêm khó khăn. Mặc dù đã lập bến phà, cầu phao song vẫn gây ra ùn tắc. Vì thế mà trong đợt đánh phá lần này có đơn vị không tiếp tục chiến đấu liên tục được do đạn chưa chở đến kịp, hoặc số đạn chỉ còn ở dưới mức quy định tối thiểu.
Tuy nhiên, các chiến sỹ đều động viên nhau: có thế nào ta đánh thế ấy, đã đánh là phải thắng. Trường hợp Tiểu đoàn 57 đứng chân ở trận địa Đại Đồng là một ví dụ. Đứng trước tình thế chỉ còn hai quả đạn trên bệ phóng, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt khi ấy là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 đã hô vang: “Hồi kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta có câu: “Một viên đạn là một quân thù”. Bây giờ ta cũng thực hiện câu nói đó: Một quả đạn là một B-52”.Đúng 5 giờ 9 phút, Tiểu đoàn 57 thực hiện ngay khẩu hiệu của mình đề ra, bắt được mục tiêu, phóng một quả vào tốp 318. Tiếp theo tiểu đoàn 77 còn lại hai quả đạn, cũng phóng một quả vào tốp 318. Hai chiếc B-52 bị hạ gục.Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, để có được kết quả đó, chúng ta đã nghiên cứu kỹ cách đánh máy bay B-52 như: Quy luật hoạt động, cách đánh phá, đội hình bay, đường bay, chọn điểm kiểm tra trước khi cắt bom; máy bay chiến thuật hộ tống trước, trong, sau hoạt động của B-52, quan trọng hơn bước đầu ta đã phân biệt được đâu là nhiễu của B-52, đâu là nhiễu của các loại F; nhiễu trong đội hình, nhiễu ngoài đội hình. Từ đây, ta có phương án sử dụng lực lượng, bố trí đội hình, cách đánh phù hợp hiệu quả của Bộ đội Tên lửa phòng không bảo vệ yếu địa, các mục tiêu trọng điểm.Lực lượng tên lửa không nhiều, chỉ 1, 2 tiểu đoàn hay 1, 2 trung đoàn, ta phải bố trí sao cho có lực lượng chốt, lực lượng cơ động, lực lượng phục kích từ xa (thực hiện lực lượng ít hóa nhiều) luôn giữ thế chủ động tạo thời, thế thuận lợi để đánh địch trên hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu giành thắng lợi quyết định. Cơ động, cơ động quanh chốt là tạo thể bất ngờ, bảo toàn lực lượng, duy trì được sức chiến đấu lâu dài.Chiến đấu trong quân, binh chủng hợp thành đòi hỏi Bộ đội Tên lửa Phòng không luôn chủ động sáng tạo, tránh bị động, có tầm suy nghĩ trước một bước. Lực lượng tiến công, họ luôn mong và yêu cầu có lực lượng bảo vệ “che trên đầu” nhất là chiến tranh hiện đại, vũ khí công nghệ cao. Cơ động chiến đấu bảo vệ đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành còn đòi hỏi người chỉ huy Bộ đội Tên lửa Phòng không các cấp có trí tuệ, bộ đội có sức khỏe, có bản lĩnh, luôn gan góc, không sợ gian khổ hy sinh.Bố trí đội hình chiến đấu luôn phải coi trọng trận địa của tiểu đoàn kỹ thuật (tiểu đoàn lắp ráp đạn tên lửa). Bố trí phải bí mật, có hệ thống đường hành quân vận chuyển (tiếp đạn) cho các tiểu đoàn hỏa lực thuận lợi nhất; phải có phương án thật cụ thể. Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm năm 1972, các trận địa hết đạn là do: Các dây truyền lắp ráp đạn không kịp, đường tiếp đạn bị địch đánh hỏng không có phương án cụ thể, nên đạn không đến trận địa hỏa lực kịp thời.Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết, lực lượng bảo vệ Hà Nội cuối năm 1972 rất mỏng chỉ có 2 trung đoàn đủ 4 tiểu đoàn hỏa lực, Trung đoàn 274 mới có 2 tiểu đoàn triển khai chiến đấu (cả Hà Nội có 10 tiểu đoàn hỏa lực). Ngày 8 tháng 12 năm 1972, cấp trên lệnh cho Trung đoàn 261 đi chiến trường B. Cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng, lần lượt cho đi tranh thủ thăm gia đình. Như vậy, cả Hà Nội chỉ còn 6 tiểu đoàn hỏa lực. Đến chiều ngày 15 tháng 12 năm 1972, đơn vị nhận được lệnh không đi B nữa ở lại chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Lực lượng lúc này là 10 tiểu đoàn hỏa lực. Sư đoàn 361 tạm yên tâm và lệnh cho Trung đoàn 261 bố trí ở các trận địa như phương án Sư đoàn đã duyệt. Các đơn vị chiến đấu hết giai đoạn 1 của chiến dịch đã bắn rơi 15 máy bay B-52, có 10 chiếc rơi tại chỗ. Đến giai đoạn 2 (từ 26/12/1972) trên điều từ Hải Phòng cho Hà Nội 2 tiểu đoàn hỏa lực (d71 và d72/e285); Sư đoàn 361 giao cho Trung đoàn 261 chỉ huy chiến đấu. Các tiểu đoàn 87 và 88, Trung đoàn 274 đã khôi phục xong khí tài, sẵn sàng ra triển khai chiến đấu. Như vậy, đến thời điểm đó, Hà Nội có 13 tiểu đoàn hỏa lưc, lực lượng bảo vệ được tăng thêm, hỏa lực tốt hơn. Cả chiến dịch, Bộ đội Tên lửa phòng không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 29 máy bay B-52, riêng Bộ đội Tên lửa Hà Nội bắn rơi 25 chiếc có 16 chiếc rơi tại chỗ. Bộ đội Tên lửa Hà Nội góp một phần vào thành tích của Binh chủng Tên lửa.