Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa gấp vì biến thể Omicron

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 18/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, nước này sẽ bắt đầu một đợt phong tỏa toàn quốc mới bắt đầu từ 5h sáng ngày 19/12 cho đến giữa tháng 1 năm sau.

Nguy cơ “khủng hoảng” ở các bệnh viện
Theo đó, tất cả cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, hiệu cắt tóc, viện bảo tàng, phòng tập thể hình sẽ phải đóng cửa từ hôm nay cho đến ngày 14/1/2022. Toàn bộ trường học sẽ đóng cửa ít nhất cho đến ngày 9/1/2022.
Số lượng khách mà người dân được phép tiếp đón tại nhà cũng giảm từ 4 xuống còn 2, ngoại trừ ngày Giáng sinh và Năm mới.
Hầu hết các trung tâm thể thao trong nhà phải đóng cửa, ngoại trừ bể bơi. Các hoạt động tập trung đông người đều bị cấm, ngoại trừ tang lễ, hoạt động mua bán nhu yếu phẩm. Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp vẫn được tiến hành nhưng với điều kiện không có khán giả.
"Hà Lan phải phong tỏa một lần nữa. Điều này là không thể tránh khỏi bởi làn sóng lây nhiễm thứ 5 đang đến với sự xuất hiện của biến chủng Omicron", Thủ tướng Rutte nói.
Ông nhấn mạnh, nếu không hành động ngay, Hà Lan có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng "không thể kiểm soát" được tại các bệnh viện.
 Hà Lan quyết định tái phong tỏa toàn quốc trước diễn biến phức tạp của đại dịch do sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Số ca Covid-19 ở Hà Lan đã có xu hướng giảm trong những tuần gần đây nhờ lệnh phong tỏa vào ban đêm được ban bố cuối tháng trước. Tuy nhiên, giới chức nước này lo ngại một làn sóng lây nhiễm mới sau khi phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên cách đây 3 tuần.
Ông Jaap van Dissel, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Hà Lan cảnh báo, Omicron có thể trở thành biến chủng trội ở Hà Lan khoảng từ Giáng sinh đến năm sau. Với đà lây lan của Omicron như đã thấy ở Anh, giới chức Hà Lan lo ngại, hệ thống y tế nước này sẽ quá tải.
Số ca nhiễm biến chủng Omicron đã tăng lên kể từ khi nó được phát hiện lần đầu ở Hà Lan cách đây ba tuần, giữa lúc các bệnh viện đang phải vật lộn điều trị lượng lớn bệnh nhân Covid-19. Mặc dù hơn 85% dân số trưởng thành của Hà Lan đã được tiêm chủng vaccine Covid-19, nhưng chỉ gần 9% trong số đó đã tiêm mũi vaccine tăng cường - một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Âu.
Châu Âu siết chặt phòng vệ trước biến thể mới
Nhiều nước châu Âu khác cũng tăng cường các biện pháp đối phó Omicron, trong đó Anh tuyên bố đợt dịch này là “sự cố lớn” và vô cùng đáng ngại.
Trong khi đó, Đức xếp Anh vào danh sách các nước có nguy cơ cao về Covid-19, kèm các biện pháp siết chặt kiểm soát người đi lại. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 20/12, người đến từ Anh phải cách ly 2 tuần bất kể tình trạng tiêm vaccine. Đức đã xếp Pháp và Đan Mạch vào danh sách các vùng có nguy cơ cao và buộc người nhập cảnh chưa tiêm vaccine phải cách ly.
Ireland đang buộc các quán bar, nhà hàng đóng cửa từ 20 giờ, trong khi Đan Mạch đóng cửa rạp chiếu phim và một số địa điểm khác.
Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra, biến chủng Omicron có tốc độ lây lan cao hơn nhiều so với Delta và có khả năng tránh miễn dịch do vaccine tạo ra hoặc miễn dịch sau khi khỏi Covid-19. Giới chuyên gia cảnh báo, các nước cần thận trọng đối phó Omicron bởi kể cả khi chỉ gây triệu chứng nhẹ hơn, Omicron vẫn là một mối đe dọa đáng kể nếu số ca nhiễm tăng vọt trong một thời gian ngắn và đe dọa gây quá tải hệ thống y tế. 
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, tiêm chủng vaccine mũi tăng cường có thể giúp tăng mức độ bảo vệ trước sự tấn công của biến chủng Omicron. Do vậy, các nước châu Âu cũng đang nỗ lực thúc đẩy chiến dịch này.