Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một quy định chưa phù hợp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những cuộc kiểm tra giá sữa hồi quý 4/2009 cho thấy các hãng sữa bán cho nhà phân phối thường áp dụng công thức: Giá nhập + 40-50% lãi gộp. Còn giá bán lẻ do các đại lý tự đưa ra. Chính vì thế giá sữa trên thị trường thường không kiểm soát được và cao gấp hơn 2 lần giá nhập.

KTĐT - Những cuộc kiểm tra giá sữa hồi quý 4/2009 cho thấy các hãng sữa bán cho nhà phân phối thường áp dụng công thức:Giá nhập + 40-50% lãi gộp. Còn giá bán lẻ do các đại lý tự đưa ra. Chính vì thế giá sữa trên thị trường thường không kiểm soát được và cao gấp hơn 2 lần giá nhập.

Chẳng hạn sữa Enfa Grow loại 1,8kg nhập 195.560 đồng/hộp, bán ra 402.000 đồng/hộp, loại 0,9 kg sữa này nhập có 108.000 đồng/hộp nhưng bán 220.000 đồng/hộp. Sữa Latozen nhập 66.950 đồng/hộp bán ra 131.000 đồng/hộp. Sữa Nestle 900g nhập 72.361 đồng/hộp bán ra 200.000 đồng/hộp. Các hãng sữa đều chi phí rất lớn cho bán hàng, tiếp thị quảng cáo. Có hãng chi phí quảng cáo tiếp thị chiếm 30% tổng chi phí kinh doanh.

           
Cuộc kiểm tra ngành sữa được thực hiện sau khi diễn ra nhiều cuộc tăng giá sữa chóng mặt trong năm 2009. Người tiêu dùng hy vọng bước sang năm 2010 giá sữa sẽ ổn định. Ai ngờ niềm hy vọng ấy bị tắt ngấm ngay khi bước sang năm mới vì từ 1/1/2010 hầu hết các loại sữa bột trên thị trường đều thông báo tăng giá. Các loại sản phẩm của Hancofood tăng 10%, sản phẩm của Abbott tăng 7,4%, Mead Johnson tăng Enfa A+ thêm 7-9%.

           
Để ngăn chặn tình trạng tăng giá sữa vô tội vạ, các cơ quan quản lý giá sữa của Nhà nước đã đề xuất các biện pháp quản lý giá sữa. Nhưng trong thực tế các quy định đó không thực sự hữu hiệu, thậm chí còn làm bình phong cho doanh nghiệp tăng giá. Thông tư 104 hướng dẫn thi hành Nghị định 170 của Chính phủ quy định: Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

           
Quy định nghe rất “oách”, rất cụ thể nhưng do qui định là nếu tăng 20% so với giá cũ mới có biện pháp xử lý nên doanh nghiệp nào cũng “chui” qua được. Hay nói chính xác là doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này để tăng giá và mỗi lần chỉ tăng 7-9% so với giá cũ thôi. Vì chưa chạm mốc 20% nên chẳng cơ quan chức năng nào áp dụng chế tài để bình ổn giá. Chính vì thế thỉnh thoảng các hãng sữa lại tăng giá mà chẳng sợ vướng quy định của cơ quan quản lý. Và cơ quan quản lý cũng bình chân như vại vì chưa thấy doanh nghiệp nào vi phạm quy định. Vậy là người tiêu dùng lãnh đủ.

           
Có quan chức của Bộ Tài chính cũng thấy rằng quy định trên tạo kẽ hở cho các hãng sữa “lách”. Nhưng việc sửa đổi thì còn chờ lấy ý kiến... các Bộ (!).

           
Thực ra vấn đề giá sữa cũng như giá nhiều sản phẩm hàng hóa khác chỉ có thể ổn định bằng cách tăng nguồn cung ứng các sản phẩm sữa có chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nguồn cung có thể và rất nên là nguồn trong nước bằng cách có giải pháp phát triển công nghiệp chế biến tại chỗ. Nguồn cung có thể lựa chọn các hãng sữa có uy tín trên thế giới để nhập và quản lý tốt giá nhập cũng như giá bán. Cần phải có chế tài xử lý các trường hợp chi phí quảng cáo quá lớn như đã nêu để chống thất thu thuế TNDN cho Nhà nước. Trước mắt quy định phi thực tế của Thông tư 104 cần được sửa đổi bổ sung ngay.