Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một tín hiệu vui

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/1/2022 vừa qua đã diễn ra một sự kiện đáng chú ý. Đó là việc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của hội.

Đáng chú ý hơn, buổi lễ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Nói đây là sự kiện đáng chú ý là bởi từ nhiều năm qua, văn học thiếu nhi dường như là một khoảng trống lớn cần được lấp đầy khi thiếu vắng những tác phẩm hay, hấp dẫn, những tên tuổi làm nên hiện tượng để thu hút độc giả nhỏ tuổi. Mặc dù một vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2021 được cho là có những tín hiệu vui từ mảng sách này với những nỗ lực, đổi mới của nhiều cây bút, song đây vẫn là vấn đề đáng được quan tâm trong đời sống văn học cũng như trong sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Cần nhắc lại là đã có những giai đoạn, Văn học thiếu nhi của nước ta phát triển khá rực rỡ. Đó là những năm bạn đọc nhỏ tuổi được tiếp cận với một loạt tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh… Ngay từ năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng đã chủ trương thành lập "Tủ sách Kim Đồng", vận động sáng tác và xuất bản những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Sau ngày hòa bình lập lại trên Miền Bắc, vào năm 1957, một đơn vị xuất bản sách dành riêng cho thiếu nhi được thành lập, được nhà văn Tô Hoài đặt tên là Nhà xuất bản Kim Đồng. Giám đốc đầu tiên là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Kể lại như vậy để thấy rằng các lớp nhà văn, nhà thơ tiền bối đã dành nhiều tâm huyết cho văn học dành cho thiếu nhi. Họ không chỉ quan tâm, tạo điều kiện cho mảng sách này phát triển, mà còn trực tiếp sáng tác, mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi những tác phẩm để đời. Biết bao thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi đã vô cùng say mê đọc những Dế mèn phưu lưu ký, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đất rừng phương Nam, Văn Ngan tướng công, Quê Nội, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng… Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong bài phát biểu tại sự kiện nói trên, đó là những tác phẩm góp phần tạo ra một thế giới trong sáng, nhân ái và tràn ngập giấc mơ tươi đẹp, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ. Và biết bao con người có lương tri, hoài bão, khát vọng đã lớn lên được là nhờ một phần từ những trang sách ấy.

Vì nhiều nguyên nhân mà cả một thời gian dài, văn học dành cho thiếu nhi rơi vào tình trạng trống vắng, thiếu những tác phẩm hay, có ý nghĩa giáo dục cho trẻ thơ. Rất may là một vài năm gần đây, tình trạng này dần được khắc phục. Hội Nhà văn Việt Nam khóa X xem phát triển văn học thiếu nhi là chiến lược quan trọng, cần sự đầu tư dài hạn.

“Chúng tôi muốn phục hồi phát triển văn học thiếu nhi. Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển văn học thiếu nhi, văn học trẻ là một chiến lược lớn. Theo lời phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, một trong những nhiệm vụ lớn của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định.

Định hướng trên của Hội Nhà văn Việt nam đã và đang được thực hiện, mà việc tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi mới được phát động là một dấu mốc quan trọng. Đó có thể xem là một tín hiệu vui, không chỉ với đời sống văn học, mà còn với cả sự nghiệp giáo dục lứa tuổi mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước.