Một ứng viên EU nhận được hứa hẹn từ Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm hôm 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa với nhà đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic về sự ổn định nguồn cung khí đốt tự nhiên cho quốc gia Balkan này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Reuters

Tiết lộ với báo giới tại Beograd, Tổng thống Vucic cho biết Serbia sẽ ký hợp đồng 3 năm với Gazprom - công ty dầu khí nhà nước Nga, cũng là nhà tinh lọc khí tự nhiên lớn nhất thế giới. 

Serbia, quốc gia không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Moscow, đang gia hạn hợp đồng với "gã khổng lồ" khí đốt, cho thấy khả năng cân bằng giữa việc theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) và giữ quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin.

Gazprom đã bán khí đốt cho Serbia trong năm nay với mức giá thấp hơn thị trường là 270 USD/ 1.000m3 theo gia hạn 6 tháng của thỏa thuận 10 tháng đã hết hạn vào cuối năm 2021.

Tổng thống Vucic cho biết, chi phí của 1m3 khí đốt sẽ được xác định trong các cuộc đàm phán bổ sung với Gazprom, đồng thời cho biết thêm rằng ông mong đợi mức giá ưu đãi. "Tôi biết ơn các đối tác Nga" - nhà lãnh đạo Serbia nói.

Ông Vucic cho biết, giá khí đốt của Gazprom dành cho quốc gia Balkan sẽ thấp hơn tới 10 lần so với hầu hết những người mua khác ở châu Âu. theo ông, chỉ có Belarus và Armenia có khả năng được hưởng các điều khoản tốt hơn đối với khí đốt từ Nga.

Chủ yếu phụ thuộc vào Nga về khí đốt, Serbia đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình. Nhưng quốc gia 7 triệu dân không giáp biển này cho biết họ không thể nhập khẩu khí đốt từ các nhà cung cấp khác trước khi năm 2023 kết thúc.

Các quan chức EU đã nhiều lần thúc giục Serbia điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình với khối và giảm bớt sự phụ thuộc tổng thể vào Nga. Chính phủ Serbia, do đảng của ông Vucic thống trị, đã lên án chiến dịch quân sự tại Ukraine của Moscow tại Liên Hợp quốc nhưng né tránh việc áp đặt các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Vucic từng cảnh báo rằng mùa Đông này có thể là một trong những mùa Đông khó khăn nhất đối với Serbia kể từ Thế chiến II. Bộ trưởng Bộ Tài chính Serbia Sinisa Mali tuần trước đã đàm phán về việc sử dụng 500 triệu m3 khí đốt ở nước láng giềng Hungary để dự phòng cho kho chứa của riêng Serbia với quy mô tương đương, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần