Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một vấn đề nan giải

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người Việt chúng ta, trong rất nhiều năm qua, về phong cách làm việc theo lối văn minh, khoa học, tôi vẫn có cảm giác ít thay đổi, trừ những người được làm trong các cơ quan, doanh nghiệp (DN) của nước ngoài đặt tại Việt Nam.

Mọi người vẫn rất dễ dàng chứng kiến những công chức, viên chức “tham nhũng thời gian” rất vô tư, ít ai cảm thấy áy náy với cơ quan, công sở, thủ trưởng nơi mình làm việc. Họ không cần biết chuyện gì và mình làm việc với tác phong đó có đúng không.
Ngày 7/11 vừa rồi, khi có đại biểu nêu câu hỏi về chất lượng làm việc và đánh giá cuối năm của công, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận việc chỉ có 0,63% công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ là chưa chính xác, thể hiện sự nể nang trong mỗi cơ quan, đơn vị khi đánh giá, xếp loại.
Tôi thấy sự thừa nhận ấy không hề sai. Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cách đây cũng không lâu, ông đã cho rằng phải có tới 30% công chức hiện trong cảnh “sớm cắp ô đi, tối cắp về”. Tức là chất lượng hiệu quả công việc của công chức, viên chức chúng ta rất thấp.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Trong khi đó, tại các nước công nghiệp phát triển, mỗi một buổi làm việc (sáng hoặc chiều), họ đều quy định sau 45 hoặc 50 phút mới được nghỉ giải lao khoảng 10 - 15 phút/giờ làm việc. Thời gian này anh mới được đi vệ sinh, uống trà, cà phê, hút thuốc nếu anh muốn.
Tức là không ai được lạm dụng đến cả chuyện đi vệ sinh trong lúc làm việc nếu chưa phải là giờ giải lao. Tôi nói vậy để thấy, đối tượng “tham nhũng thời gian” dạng này của cán bộ, công chức thường chỉ ở các cơ quan Nhà nước chứ với DN nói chung, đặc biệt là DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài thì hầu như không xảy ra, trừ khi họ đang gặp vấn đề trong kinh doanh, trong sản xuất...
Việc các DN đang “than trời” khi Nhà nước bàn và Quốc hội cũng vừa quyết chuyện tăng lương (theo lộ trình), nhưng lại không tương xứng với việc tăng năng suất lao động. Vì thế, xem ra cũng là điều bất cập mà đến nay, nghe một thông tin chính thức, năng suất lao động của nước ta còn thua cả bạn Campuchia chứ đừng nói gì so với Thái Lan, Singapore trong khu vực.
Còn với các DN nói chung, người lao động thường phải làm cật lực, có khi còn làm tăng giờ mới hết việc, nhưng đồng lương vẫn chưa đủ, phải sống rất tằn tiện... Như vậy cũng có nghĩa, bộ máy hành chính của chúng ta trong hệ thống chính trị khá cồng kềnh. Việc thực hiện tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả” cũng như thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trong thời gian qua đã được các ngành, các cấp, các địa phương triển khai là rất phù hợp, rất cần thiết nếu muốn chống một cách chủ động hiện tượng “tham nhũng thời gian” nơi công sở của công chức, viên chức hiện nay.
Được biết, tính số liệu tinh giản biên chế trong cả nước, từ năm 2015 đến 2018, cả nước chỉ tinh giản biên chế hơn 40.000 người. Thế nhưng, chỉ riêng năm 2019, khi Nghị quyết 18 và 19 đã đi vào cuộc sống thực sự, dự kiến sẽ giảm tiếp là 44.500 người. Tuy nhiên, vẫn đang có chuyện chưa thật ổn khi có nơi thì giảm đáng kể biên chế nhưng lại phình ra một nơi khác.
Điều đó đã cho thấy sắp tới đây, sẽ còn có thể tinh giản nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa mà bộ máy chính trị lâu nay của chúng ta hoạt động vốn rất cồng kềnh, nay có thể giảm nữa cũng vẫn hiệu quả. Qua đó, sẽ giúp bộ máy bớt dần số công chức, viên chức “tham nhũng thời gian”.
Một xã hội văn minh, muốn có năng suất cao, đâu cứ nhất nhất mọi hành vi đều phải dùng camera giám sát thì người lao động mới nghiêm túc được hay sao? Tôi nghĩ, rất không nên thế, bởi như vậy còn gì là thứ tự do đích thực mà con người khao khát vươn tới.
Chúng ta mong rằng, với chủ trương tinh giản biên chế và bộ máy của Nhà nước, sau khi có các nghị quyết ban hành sẽ là đòn bẩy để cải thiện bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả mà năng suất lao động vẫn thấp, để gọn hơn, nhưng hiệu quả cao hơn.