Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một Việt Nam đặc sắc trong mắt các Phu nhân Trưởng đoàn APEC

theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11, ngày 11/11, bà Nguyễn Thị Hiền, Phu nhân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng các Phu nhân Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC đi thăm Phố cổ Hội An, Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

Trong ánh nắng nhẹ và sự phấn khởi, thân thiện của người dân nơi Phố cổ, các thành viên trong đoàn chậm bước để cảm nhận sự tĩnh lặng của “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ," một không gian tĩnh lặng, hoài cổ để du khách gần xa được thưởng lãm trọn vẹn vẻ đẹp của khu Di sản văn hóa thế giới Hội An. 
 Phu nhân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng các Phu nhân Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC đi thăm Phố cổ Hội An. (Ảnh: TTXVN)
Cùng sóng bước với các thành viên trong đoàn, Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền đã vui vẻ trò chuyện và giới thiệu những sản phẩm độc đáo của Hội An tới các Phu nhân. 
Đi thăm khu phố Nguyễn Thị Minh Khai, một trong những khu phố có cảnh quan, không gian đẹp nhất của Hội An, minh chứng cho sự phát triển phồn thịnh của Hội An thời kỳ “trên bến dưới thuyền," các Phu nhân vô cùng ngạc nhiên khi được biết người dân sinh sống ở đây buôn bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương ngay tại chính ngôi nhà họ đang ở.
Dừng chân bên khung thêu của một nghệ nhân nghề thêu Hội An, các Phu nhân APEC bày tỏ thán phục về sự tinh tế, sáng tạo và sống động của các bức tranh thêu Việt Nam. Những người thợ ở đây có đôi bàn tay thật khéo léo, tài hoa; đôi mắt tinh tường và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Mỗi tác phẩm thêu tay như thế này cũng mất vài tháng, đòi hỏi người thợ thêu phải thật kiên nhẫn. 
Dạo qua khu phố An Hội - nơi hình thành từ một bãi bồi trên sông Thu Bồn, hiện nay đã được quy hoạch thành chợ đêm Nguyễn Hoàng, bày bán các mặt hàng lưu niệm của Hội An, các Phu nhân tỏ ra thích thú khi tìm hiểu về nghề điêu khắc tre, món ăn Chí Mà Phù, đậu hũ, những món ăn nhẹ dân dã rất được ưa chuộng ở đây với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng; những sản phẩm thủ công độc đáo của địa phương làm từ lá dừa... 
Các Phu nhân cũng dạo bước qua Chùa Cầu - công trình biểu tượng văn hóa của Hội An, đồng thời là một trong những di tích có niên đại xây dựng lâu đời nhất còn tồn tại trong khu phố cổ. 
Tại Làng lụa Hội An, các Phu nhân đã nghe giới thiệu những sản phẩm lụa tơ tằm - một món quà lưu niệm nổi tiếng của du lịch Việt Nam. Trong các thế kỷ 16-18 đã từng có một con đường tơ lụa trên biển mà thương cảng Hội An là bến đỗ của các thương thuyền Âu, Á và Quảng Nam được tôn vinh là quê hương tơ lụa. Vì lẽ đó, lụa tơ tằm Quảng Nam trở nên nổi danh khắp bốn phương. 
Tới khu nghỉ dưỡng Nam An nằm trên bờ biển xinh đẹp Hòa Hải, thành phố Đà Nẵng, các Phu nhân nền kinh tế APEC đã vô cùng thích thú trước kiến trúc tre Việt độc đáo và tham quan khu trưng bày các nghề truyền thống của Việt Nam như nghề gốm, mây tre đan, làm nón, làm đèn lồng những trò chơi dân gian đang được trình diễn tại đây. 
Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea, bà Lynda Babao O’neill tỏ ra hứng thú với trò chơi nặn tò he, một trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam khi được tặng một hình tò he con rồng. 
Bà cho biết sẽ quay trở lại Việt Nam cùng các con để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam cũng như những điểm tương đồng của hai nền kinh tế Việt Nam-Papua New Guinea. 
Điểm nhấn trong Chương trình nghệ thuật chào đón các Phu nhân các nền kinh tế APEC tại đây là phần trình diễn áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam theo các phong cách: áo dài xưa, áo dài cận đại, áo dài thổ cẩm, áo dài hiện đại. Các thiết kế mang đậm tính sáng tạo, sự ấn tượng, giàu tính thẩm mỹ và nét hiện đại trên chất liệu đậm đà bản sắc Việt. 
Các phu nhân đều bày tỏ xúc động trước sự tiếp đón nồng hậu của Phu nhân Chủ tịch nước và sự chân tình, mến khách của người dân Hội An, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung và bày tỏ mong muốn được có dịp trở lại Việt Nam.