Với hộ anh Nguyễn Văn Hùng thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), đợt mưa bão vừa qua đã chịu thiệt hại nặng nề. Vườn nhãn hơn 10 năm tuổi của gia đình anh hiện đã có hơn 30 cây bị chết do ngập úng lâu ngày. Nhìn hàng loạt cây nhãn héo rũ anh Hùng chán nản nói: “Thời tiết khắc nghiệt quá, đợt mưa trước cây trồng chưa kịp hồi phục thì đợt mưa mới lại tiếp diễn. Nông dân chúng tôi không kịp trở tay”.
Thời điểm này đang trùng vào đợt thu hoạch của vụ nhãn, nhiều vườn nhãn gần như mất trắng bởi thiên tai. Vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Tích, Đông La, Hoài Đức dự kiến thu hoạch 20 tấn trong năm nay, nhưng ảnh hưởng của cơn bão số 3 vườn nhãn của ông đã bị nứt, dụng đến 50%. Số quả còn lại do mã xấu nên thương lái chỉ trả giá bằng 1/3 giá so với mọi năm. Tuy giá rẻ, nhưng gia đình ông cũng phải thuê người thu hoạch bán tống bán tháo trước khi cơn bão số 4 đổ bộ về.Là một địa phương cũng chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão số 3, huyện Quốc Oai có 1.816ha lúa, 430ha cây màu, cây ăn quả bị ngập, 550ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 58 trang trại bị ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút toàn huyện có 874ha lúa bị mất trắng, 51ha cây rau màu không có khả năng hồi phục, trên 215ha cây lâu năm bị rụng quả, vàng lá. Thiệt hại về chăn nuôi trên địa bàn là 33.000 con gia súc, gia cầm và 408ha nuôi trồng thủy sản. Thời điểm này, Nhân dân trên địa bàn huyện vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, tổng vệ sinh môi trường.Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta vào sáng ngày 17/8. Bão được dự báo có phạm vi ảnh hưởng rộng, kèm theo mua lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Băc Trung Bộ. Khu vực chịu ánh hưởng của bão có các hoạt động kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng vừa trải qua các đợt mưa lũ kéo dài.Ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai cho biết: Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 4, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai đã phát đi Công điện khẩn số 03/CĐ-BCH yêu cầu các ban ngành liên quan, các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, ra soát toàn bộ các tuyến đê, cống dưới đê các công trình thủy lợi, tổ chức gia cố, sửa chữa, bổ sung, khắc phục ngay hư hỏng sự cố do cơn bão số 3 gây ra. Chủ động bổ sung đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện phòng chống thiên tai theo phương án 4 tại chỗ đã được phê duyệt.Để chủ động phòng, tránh, hạn chế thiệt hại do bão số 4 gây ra Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành Công văn số 2226/SNN-TT đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tập trung phòng, chống bão số 4 cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Theo đó, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các DN thủy lợi trong công tác quản lý, điều hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn đơn vị; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn huy động tối đa lực lượng, thiết bị hỗ trợ để tiêu úng kịp thời.Đối với vùng trồng rau, khuyến cáo nông dân vét sâu rãnh luống, đào sâu đầu luống để thoát nước nhanh khi bị ngập, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối cây; chuẩn bị hạt giống rau màu để gieo trong lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung. Đối với diện tích cây ăn quả, Sở khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đặc biệt với diện tích nhãn đã đến thời điểm thu hoạch; tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh, đào mương thoát nước tạo thông thoáng cho vườn cây để phòng ngập úng, gãy đổ. Sau bão, xới phá váng để rễ cây đươc thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục hồi.Các DN thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, cập nhật thường xuyên dự báo khí tượng thủy văn, chỉ đạo vận hành công trình tiêu nước đệm, sẵn sàng vận hành công trình trong trường hợp có khả năng xảy ra mưa lớn, ngập úng. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra các công trình xung yếu, đập, hồ chứa nước nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình. Chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa nước để đón mưa, lũ đảm bảo an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du.