Mùa cải tàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 28 Tết, nó đang ở nhà bố mẹ chồng, sốt li bì. Sát Tết, bác giúp việc xin về quê, nó quay như chong chóng, vừa đi chợ nấu nướng, lo sắm quà Tết cho họ hàng, vừa phải làm nốt đống công việc ở cơ quan.

7 giờ tối mới mò về đến nhà, cơm nước, tắm rửa, dỗ các con đi ngủ xong cũng thấm mệt, nó lăn ra giường ngủ say như chết rồi rơi vào mộng mị.

Trong mơ nó thấy mình đứng giữa cánh đồng cải đang nở rộ, thảm hoa trải dài, vàng ngút mắt. Có tiếng mẹ nó gọi lúc xa lúc gần, nó quay ngoắt lại thì âm thanh ấy tắt lịm, nó đứng đó, hoang mang, trơ trọi. Rồi bát ngát hoa cải vàng tàn lụi, rồi cánh đồng mất hút. Nó hoảng hốt gọi mẹ và thấy mình bật dậy, trán lạnh toát, đầm đìa mồ hôi. Nó bần thần nhìn vào không trung, nhưng ngồi thế chẳng được lâu vì tiếng chuông đồng hồ báo thức đã kéo cơn mụ mị trôi tuột. Nó thay đồ, gọi hai con dậy ăn sáng. Bác giúp việc đưa chúng đến trường, nó trang điểm qua loa, vội phóng xe đi làm.
Mùa cải tàn - Ảnh 1
 
Trên đường đi nó nghĩ mãi về giấc mơ kỳ lạ. Bỗng dưng tim đập rộn ràng, nó nhớ ghê gớm vạt hoa cải trước nhà mình. Nhiều năm rồi nó không còn thấy cải ra hoa bởi từ lúc đi lấy chồng, cùng lắm mỗi năm nó chỉ về thăm nhà hai bận: Tết hoặc hè và ngày giỗ cha. Vườn cải mẹ nó trồng quanh năm lấy rau bán, cuối năm mẹ cho cải nở hoa để lấy giống mùa sau. Mùa cải mong manh, hoa chỉ nở vàng ruộm khi tháng Chạp toan cạn dần. Tết nào nó về được cũng đã mồng Ba, mồng Bốn, hoa tàn hết, cánh mềm rơi rụng khắp nền đất nâu bạc.  Rồi nó thấy lòng nóng ran như có ai châm lửa, nó thèm ngắm vạt cải vàng hoa, thèm về đón giao thừa bên mẹ. Đã hai năm nó không về quê ăn Tết, nó cứ bứt rứt mãi chẳng biết bây giờ mẹ đã sắm sửa gì chưa, một mình mẹ có lợp được mấy viên ngói sau nhà đợt bão bị gió cuốn, có quét hết mạng nhện giăng khắp ngôi nhà gạch cũ kỹ...

Nó định bụng đến sở làm sẽ điện ngay cho mẹ nhưng vừa bước chân vào phòng làm việc, nhìn đống giấy tờ cần giải quyết trên bàn, nó cắm đầu cắm cổ làm mà quên béng cuộc điện thoại. Trưa, chồng nó gọi báo đã đi công tác về, có mua cho vợ một đống váy áo và lọ nước hoa. Nó lâng lâng sung sướng, từ đấy đến giờ tan làm, nó nghĩ mãi về mùi nước hoa và món cà ri bò vừa học được từ mấy chị đồng nghiệp, tối sẽ trổ tài cho chồng xem. Bố về, cả nhà cứ ríu rít như tổ chim. Nó quây quần bên chồng con, bàn chuyện sắm Tết, trang hoàng nhà cửa cho đến lúc đi ngủ. Cuộc điện thoại về nhà rơi vào miền vô tâm, như chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của nó.

28 Tết, nó đang ở nhà bố mẹ chồng, sốt li bì. Sát Tết, bác giúp việc xin về quê, nó quay như chong chóng, vừa đi chợ nấu nướng, lo sắm quà Tết cho họ hàng, vừa phải làm nốt đống công việc ở cơ quan. Đương lúc nước sôi lửa bỏng lại lăn đùng ra ốm, nó nằm trên giường bệnh, ái ngại nhìn mẹ chồng loay hoay dọn dẹp. Nằm được mỗi buổi sáng, nó đã gượng dậy nấu ăn. Đang hoa mắt chóng mặt với đống thức ăn sống thì mẹ nó gọi điện. Mẹ hốt hoảng khi nghe giọng nó khàn đặc, mẹ nhắc nó cả tỉ thứ nào giữ ấm, nào ngậm nước muối, nào Tết nay ở lại mà nghỉ ngơi đừng về thăm mẹ làm gì mất công. Nhưng tai nó lùng bùng chẳng nghe được mấy, khóe mắt nó cay xè. Nó thều thào hỏi mẹ vạt cải trước nhà nở vàng chưa, mẹ bảo hoa đã nở, đã tàn. Nó nói có việc gấp phải gác máy rồi chạy về phòng, tay bưng mặt để không ai nghe thấy tiếng khóc rấm rứt. Nước mắt nó mặn đắng, đời người con gái đi lấy chồng cũng mặn đắng.

Mẹ nó xuất giá lúc 20, 32 tuổi đã góa chồng. Mẹ chỉ có mình nó, cố bươn chải cho con lên thành phố ăn học. Rồi nó bám lấy thị thành, làm việc, lấy chồng ở đấy. Mẹ nó ở lại bám vườn cải cuối mùa vẫn nở xôn xao. Năm nay, lại một mùa cải tàn. Mẹ nó lại lủi thủi sửa nhà, đón Tết, lại cẩn thận nhắc con gái cố lo cho nhà chồng rồi bâng quơ nhìn cánh hoa lã tã mà thương nhớ những ngày xa ngái, có dáng nó lon ton nhặt cải vàng chờ Tết, nhặt tháng Chạp rụng đầy trên tay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần