Mùa công bố kết quả kinh doanh buồn của doanh nghiệp ngành thép

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển vọng của ngành thép khá ảm đạm đã thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này cũng phản ánh rõ nét ở diễn biến cổ phiếu.

Đua nhau báo lỗ

Trái với kết quả rực rỡ của năm 2021, năm 2022 là năm khá buồn của ngành thép khi gặp nhiều khó khăn chồng chất. Báo cáo tài chính quý III/2022 vừa công bố của các DN ngành thép ghi nhận mức lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Năm 2022 là năm khá buồn của ngành Thép khi gặp nhiều khó khăn chồng chất.
Năm 2022 là năm khá buồn của ngành Thép khi gặp nhiều khó khăn chồng chất.

Mới đây, tập đoàn Hoa Sen vừa công bố doanh thu quý cuối cùng niên độ tài chính 2021-2022 đạt 7.939 tỷ đồng, sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Sen áp dụng niên độ tài chính từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau. Do đó, quý III đi qua cũng là thời điểm tập đoàn này kết thúc năm tài chính. Doanh thu dưới giá vốn, Hoa Sen lỗ gộp hơn 230 tỷ đồng trong quý vừa qua. Dù đã tiết giảm tất cả chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Sen vẫn lỗ ròng gần 900 tỷ đồng trong 3 tháng qua.

Điểm đáng lưu ý, quy mô tài sản của Hoa Sen thời điểm 30/9/2018 là 21.205,6 tỷ đồng nhưng lỗ 101,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, quy mô tài sản là 17.023,9 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng.

Như vậy, thời điểm quý IV niên độ 2021-2022 có quy mô tài sản bằng 80,3% thời điểm quý IV niên độ 2017-2018 nhưng lỗ thì bằng 871%. Có thể thấy, thời điểm 30/9/2022 có quy mô tài sản nhỏ hơn nhưng lỗ thì lớn hơn rất nhiều thời điểm 30/9/2018.

Sau cả niên độ tài chính, Hoa Sen đạt tổng doanh thu hơn 49.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch về doanh số. Nhưng với khoản lỗ lớn trong quý cuối cùng, Hoa Sen chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng sau cả niên độ tài chính, hoàn thành vỏn vẹn 17% chỉ tiêu kinh doanh.

Không chỉ Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ, xuống 34.440 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế âm 1.786 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, tập đoàn này vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ở mức cao, tương ứng gần 116.560 tỷ đồng và 10.443 tỷ đồng, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.

Công ty CP Thép Nam Kim cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu giảm đến 41% so với cùng kỳ xuống còn 4.424 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm 26,5% đẩy doanh nghiệp này vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Lỗ gộp quý 3 hơn 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này dương đến gần 1.300 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, Thép Nam Kim lỗ ròng 419 tỷ đồng quý 3/2022 trong khi cùng kỳ lãi gần 607 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.

Tương tự, công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý III/2022. Cụ thể, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên hơn 410 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần cùng kỳ, dẫn đến lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ hơn 640 triệu đồng vào cùng kỳ năm trước - quý thua lỗ nhiều nhất của Thép Thủ Đức kể từ khi cổ phần hoá vào năm 2008. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.500 tỷ đồng (giảm 8,3% so với cùng kỳ), lỗ ròng gần 16 tỷ đồng.

Dự báo kém tươi sáng cho cổ phiếu thép

Có thể thấy, triển vọng kinh doanh đã sớm có phản ánh vào diễn biến cổ phiếu ngành thép. Đơn cử như với Hoa Sen, tính từ đầu năm đến nay, HSG đã giảm tới gần 63,3% thị giá. Với mức giá 11.400 đồng/cổ phiếu (tính đến 10h ngày 31/10), đây là mức giá thấp nhất được ghi nhận của mã cổ phiếu này trong vòng 1 năm qua.

Tương tự, HPG cũng đã chạm mốc giá 15.650 đồng/cổ phiếu vào sáng ngày 31/10. Mức giá này cũng là mức giá thấp kỉ lục của tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm đến nay đã giảm tới 52,3% giá trị. So với mức giá kỉ lục 58.000 đồng vào thời điểm cuối năm 2021 thì HPG đã rớt giá thê thảm.

Cổ phiếu của thép Nam Kim cũng chịu chung số phận với hai “ông lớn” trên khi NKG cũng đang ở vùng giá thấp kỉ lục. Với mốc giá 13.550 đồng hiện nay thì NKG đã giảm tới 56,5% giá trị chỉ tính từ đầu năm đến nay.

Thực tế, cổ phiếu thép tạo đỉnh và đi xuống trước thị trường chung, đà lao dốc mạnh của nhóm này là câu chuyện nổi bật trên thị trường chứng khoán suốt từ đầu năm tới nay.

Hiện, định giá cổ phiếu thép đã gần bằng thậm chí xuống dưới giá trị sổ sách. P/B của HPG đạt 0,82, HSG chỉ 0,56, NKG là 0,59, DTL là 1,21, DNS có chỉ số P/B bằng 1,2 và POM còn 0,38.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, có một diễn biến dự báo có lợi cho doanh nghiệp ngành thép, đó là cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép tại EU, giảm bớt áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu. Cụ thể, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, các động thái cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đã gây ra nhiều khó khăn cho các nước EU.

Giá năng lượng ngày càng tăng khiến nhiều nhà sản xuất thép châu Âu buộc phải giảm bớt quy mô hoặc đóng cửa nhà máy. Cuộc khủng hoảng này được ước tính sẽ làm giảm 3 triệu tấn thép/năm của các hãng thép châu Âu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp thép Việt Nam bớt áp lực cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng kỳ vọng thời gian tới, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, giá thép có thể nhích tăng nhờ nhu cầu vật liệu xây dựng của nước này tăng cao, trong khi Trung Quốc vẫn đang triển khai chính sách cắt giảm khí thải và công suất sản xuất thép nên nguồn cung dự báo giảm.

Dẫu vậy, nhiều công ty chứng khoán vẫn cho rằng, chẳng thể phủ nhận được thực tế là lạm phát vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới tại EU và Mỹ và viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiển hiện.

Trong bối cảnh đó, bức tranh kinh doanh của ngành thép cũng như giá cổ phiếu thép khó có thể cải thiện trong ngắn hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần