Tình trạng DN “bốc hơi” lợi nhuận cả nửa tỷ đồng hay nợ nghi ngờ tăng gấp 5 lần so với báo cáo tự lập… vừa ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, vừa gây nhiễu loạn, làm giảm tính công bằng và minh bạch của thị trường.
Những con số biết "nhảy múa"
Hạn nộp báo cáo tài chính (BCTC) bán niên sau soát xét đã điểm. Như thường lệ, sau kiểm toán, hàng loạt chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của nhiều DN liên tục nhảy múa, nơi lợi nhuận "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng, nơi tỷ lệ nợ xấu lại tăng hoa mắt.
Theo soát xét bán niên 2020 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) vừa được Ernst & Young (EY) kiểm toán, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của của Đất Xanh âm 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lệch hơn 500 tỷ đồng so với con số công ty tự lập.
Theo thuyết minh BCTC, tại ngày 22/7, Tập đoàn đã chuyển nhượng hết gần 63 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 36,72% vốn tại Công ty CP Đầu tư LDG nên kiểm toán đã yêu cầu trích 526 tỷ đồng dự phòng trong quí II.
Còn tại NamABank, trong khi một số chỉ tiêu gồm tổng tài sản, lợi nhuận… của BCTC bán niên soát xét được giữ nguyên so với báo cáo tự lập thì nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đã tăng lên gấp gần 5 lần, đạt mức 1.537 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 1,66% lên mức 2,93%.
Thực tế cho thấy, cứ mỗi mùa công bố BCTC sau kiểm toán, nhiều chỉ số kinh doanh của một số DN lại có sự thay đổi theo hướng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Và mỗi DN đều có một lý do để giải trình cho sự “vênh” nhau giữa báo cáo tự lập và báo cáo sau soát xét.
Ông Phan Linh - Công ty Take Profit cho hay, có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng số liệu trên BCTC DN tự lập khác xa so với sau kiểm toán. Đó có thể là do năng lực lập báo cáo tài chính của DN còn hạn chế; do hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán của Việt Nam còn hạn chế so với quốc tế khiến cho đội ngũ kế toán khó xử lý trong thực tế.
Và cũng không loại trừ việc DN cố tình “xào nấu” BCTC để có những con số đẹp nhất vì nhiều mục đích khác nhau như “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng hoặc là “chạy” để không bị hủy niêm yết khi lỗ nhiều năm liên tục….
Mạnh tay với “vênh” số liệu
Chênh lệch số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, soát xét BCTC là câu chuyện tồn tại dai dẳng trên thị trường chứng khoán trong nước nhiều năm nay. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định mua bán của các nhà đầu tư, đồng thời gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến tính minh bạch của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước tình trạng này, cơ quan quản lý đã mạnh tay hơn với các sai phạm “vênh” số liệu này.
Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra quyết định xử phạt CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) số tiền 85 triệu đồng. Lý do là CII đã công bố BCTC riêng, BCTC hợp nhất quý IV/2019 có sai lệch về số liệu của các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận sau thuế so với BCTC riêng, hợp nhất năm 2019 được kiểm toán. Quyết định này cho thấy cơ quan quản lý đã mạnh tay với việc lập BCTC sai lệch nhằm thiết lập lại trật tự trên thị trường tài chính.
Trước đó, mùa công bố báo cáo kiểm toán năm 2019, hàng loạt DN có chênh lệch lớn về số liệu tài chính theo hướng bất lợi cho cổ đông như: Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà đất COTEC (CLG), Công ty CP Gỗ Trường Thành (TTF), Công ty CP Camimex Group (CMX), CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG)…
Theo các chuyên gia kinh tế, để thông tin đến với nhà đầu tư chính xác và rõ ràng hơn, cơ quan quản lý cần mạnh tay với những DN thường xuyên sai phạm. Cần có chế tài và nhiều hình thức phạt, đặc biệt là nếu vi phạm nghiêm trọng thì cần khởi tố hình sự để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn.