Mỗi mùa đại hội cổ đông là các nhà đầu tư lại “thót tim” trông ngóng thông tin về nhân sự ở những công ty có liên quan đến vốn đầu tư nhà nước, dưới sự quản lý của SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước).
Trong những năm gần đây, thị trường nhiều lần tỏ rõ sự hoài nghi về tính hiệu quả của SCIC trong việc tham gia quản trị tại các doanh nghiệp. Việc các cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn mà SCIC công bố vào cuối năm 2015 đều tăng mạnh cho thấy phản ứng tích cực của các nhà đầu tư đối với sự “rút lui” của SCIC.
Việc xung đột lợi ích với các cổ đông khác khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng là điều khiến hình ảnh của SCIC chưa được đánh giá cao. Điển hình là vào năm 2013, vì không thống nhất được chiến lược phát triển với cổ đông lớn là SCIC, Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang đã đòi chuyển giao phần vốn do SCIC quản lý về cho UBND tỉnh An Giang. Ðây là một tiền lệ chưa bao giờ xảy ra.
Ở các công ty đang hoạt động hiệu quả, sự can thiệp của SCIC vào việc bổ nhiệm cán bộ cao cấp và thành viên hội đồng quản trị thông qua số phiếu đại diện vốn, thường vấp phải sự phản đối từ các nhà đầu tư. Điều này là dễ hiểu, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vì thành công của những công ty như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang là nhờ vào bản lĩnh lãnh đạo của các thành viên dầy kinh nghiệm trong Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp, chứ không phải do vai trò của SCIC.
Đối với những doanh nghiệp kém hiệu quả hơn, thì sự bất lực của SCIC là rất rõ ràng. SCIC đang nắm gần 58% cổ phần là Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex-mã chứng khoán VCG) nhưng SCIC đã không thể làm gì để khôi phục lại kết quả kinh doanh yếu kém trong suốt những năm qua. Gần đây, Vinaconex bị điều tra về trách nhiệm thiếu sót đối với sự cố vỡ đường ống nước nghiêm trọng tại Hà Nội.
Đó cũng là lý do vào thời điểm này, nhà đầu tư bên ngoài bắt đầu có dấu hiệu lo ngại về tình hình nhân sự ở các công ty mà SCIC nắm số lượng vốn đa số - nhất là ở những công ty kinh doanh đặc thù như công ty dược Traphaco (mã chứng khoán TRA), công ty Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG), Công ty CP XNK y tế Domesco (mã chứng khoán DMC), Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH)…
Những bất cập trong việc bổ nhiệm Đại diện vốn
Trong hai năm vừa qua, việc một số công ty bị SCIC “ép” về vấn đề nhân sự đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư. Như trường hợp của Dược Hậu Giang khi bà Phạm Thị Việt Nga, “bà đầm thép” đằng sau sự thành công của công ty dược lớn nhất nước này, phải “nhường” ghế chủ tịch cho người đại diện của SCIC trong khi người đại diện vốn này không có kinh nghiệm cũng như không được đào tạo trong ngành dược. Kết quả của sự thay đổi này là cổ phiếu Dược Hậu Giang đã tăng trưởng kém hơn nhiều so với công ty đối thủ là Traphaco, khi sự ổn định trong HĐQT đã tiếp sức cho Traphaco tiếp tục gặt hái thành công.
Vấn đề nhân sự và đại diện vốn cũng là chủ đề chính cho những mâu thuẫn của SCIC ở công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán VNM). Tại ĐHCĐ 2015, các đề xuất của SCIC bao gồm bầu thêm một thành viên độc lập vào Hội đồng quản trị (HĐQT), Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại công ty, sửa đổi điều lệ công ty với nội dung “việc đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT, ban kiểm soát trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông tổ chức” đã bị ĐHĐCĐ phủ quyết. Nhân vật nổi lên rõ nhất trong những vấn đề trên là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNM, và cũng là một trong 3 đại diện vốn nhà nước ở VNM.
Khi đưa ra đề xuất trên, có lẽ SCIC muốn rằng khi bà Liên không còn đại diện cho phần vốn Nhà nước (bà Liên cũng đã qua tuổi nghỉ hưu), SCIC sẽ cử người khác thay thế. Trong trường hợp đó, bà Liên đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT. Tuy nhiên, xét về thông lệ quản trị DN hiện đại, đề xuất này không phù hợp, khi mà đa số các cổ đông khác đề cao vai trò lãnh đạo của bà Liên trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của Vinamilk trong tương lai.
Những quyết định của SCIC sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển và điều hành doanh nghiệp - nghĩa là sự thành hay bại của doanh nghiệp - nhưng dường như SCIC đang "xem nặng" vấn đề quyền của người cầm vốn, và "xem nhẹ" khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.
Trong các mối quan hệ với ban lãnh đạo doanh nghiệp, những người đã gắn bó cả cuộc đời họ cho sự phát triển của doanh nghiệp, khó có thể vin vào quyền lực của một cổ đông lớn để xử lý các câu chuyện liên quan. Nhìn vào bề dầy kinh nghiệm, năng lực, cũng như tâm huyết của những người mà SCIC định thay thế trong HĐQT doanh nghiệp thì người ta không thể không đặt câu hỏi, liệu rằng việc đưa người SCIC vào doanh nghiệp có thực sự là để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước hay là tạo quyền lợi cho cá nhân nào đó?
Phát triển SCIC theo mô hình Temasek
Về mặt nguyên tắc, SCIC được xem là công ty đầu tư và quản lý vốn nhà nước, một mô hình phổ biến ở các nước phát triển mà điển hình có thể kể đến Temasek ở Singapore, ADIA của Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, hay NORGES của Na-uy.
Mặc dù không thể phủ nhận những khó khăn từ thực tế hình thành của SCIC - như sự thiếu hoàn thiện trong cơ chế điều hành, cũng như những hạn chế do sự thiếu minh bạch trong phân chia mục tiêu giữa hiệu quả kinh doanh và thực hiện các định hướng chính sách Nhà nước. Tuy nhiên, giống như những doanh nghiệp mà SCIC đang tham gia đầu tư, SCIC cần được xây dựng với tầm nhìn hướng tới một mô hình quản lý hiệu quả và bền vững.
Nếu lấy Temasek làm ví dụ, có thể thấy điểm khác nhau căn bản giữa SCIC và Temasek trong chính sách quản lý vốn và chiến lược đầu tư chính là việc Temasek tiếp cận một cách “passive” đối với các công ty mình đầu tư, với triết lý rằng những người lãnh đạo công ty là những người hiểu rõ nhất họ cần gì và phải làm gì để thành công. Temasek tham gia góp vốn, và có thể đưa ra lời tư vấn nếu cần, nhưng luôn giữ vững nguyên tắc không tham gia và can thiệp trực tiếp vào quản lý doanh nghiệp.
Nắm giữ vốn và tham gia quản lý ở trên 230 doanh nghiệp (trong đó có hơn 40 doanh nghiệp niêm yết), với vốn nhà nước theo giá trị sổ kế toán khoảng 17.000 tỷ đồng, SCIC không thể đảm bảo rằng mình có thể làm tốt hơn người của doanh nghiệp. Điều này càng đúng cho những doanh nghiệp có tính đặc thù cao, chẳng hạn như các công ty trong ngành Y tế như Dược Hậu Giang, Traphaco hay Domesco, khi SCIC định tiếp tục can thiệp sâu vào quản lý điều hành.
Từ khi thành lập năm 2006 đến nay, SCIC đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận, tuy nhiên nếu đi sâu vào chi tiết trong báo cáo tài chính, phần lớn lợi nhuận của SCIC là có từ đóng góp của những doanh nghiệp hoạt động độc lập tốt như Vinamilk, FPT, hoặc từ những hoạt động gửi tiết kiệm và đặc biệt là bán vốn.
Từ năm 2006, SCIC đã bán vốn tại 724 doanh nghiệp với tổng số tiền thu về là 6.256 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,2 lần giá trị sổ sách. Rõ ràng, công tác bán tài sản này đã đóng góp lợi nhuận đáng kể cho SCIC. Thế nhưng, liệu bên cạnh các hoạt động nhận cổ tức và thoái vốn, SCIC đã làm được gì cho các công ty mà mình đầu tư?
Nhà đầu tư đang trông chờ ở SCIC một chiến lược và định hướng rõ ràng hơn trong vai trò người quản lý vốn dự trữ nhà nước. Cắt giảm phân tán nguồn lực, tránh xây dựng bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả khi tham gia trực tiếp vào quản lý điều hành công ty, đồng thời ập trung mô hình vào quản lý danh mục đầu tư tối ưu, có trọng điểm đã đến lúc trở thành trọng tâm phát triển dài hạn cho SCIC.