Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ở Quảng Nam bị ngập cục bộ, cô lập

CÔNG HUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện mưa lớn kéo dài từ đêm 10/9 đến sáng 12/9 đã khiến nhiều tuyến giao thông huyết mạch bị chia cắt, nhiều nơi bị ngập sâu, cô lập.

Nhiều nơi ngập cục bộ
Ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến cho nhiều khu vực dân cư, tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu, chia cắt lưu thông.
Theo ghi nhận, tại khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, nhiều nhà dân bị ngập sâu gần 1m. Nhiều gia đình phải kê vật dụng trong nhà lên cao để tránh bị ngập, hư hỏng.
“Mưa lớn cả ngày hôm qua đến giờ, nước lại rút chậm nên cả khu phố bị ngập nặng. Gia đình tôi phải kê các các thiết bị điện, xe máy lên cao để tránh bị ngập, gây hư hỏng”, bà Trần Thị Hoa, người dân khối phố Mỹ Thạch Trung cho biết. Theo bà Hoa, khu vực này trũng thấp lại gần sông nên khi có mưa lớn dài ngày là nước dâng cao tràn vào nhà.
Một số tuyến đường tại TP Tam Kỳ bị ngập nặng. 
Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường ở TP Tam Kỳ ngập úng. Tại các tuyến đường như Trần Quý Cáp, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Chí Thanh, nước ngập sâu gần nửa bánh xe máy khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Còn tại huyện Thăng Bình, mưa lớn trong nhiều ngày làm các khu dân cư ven các cánh đồng bị ngập trong nước, không di chuyển được. Tại khu vực Quán Gò (xã Bình An), nhiều ruộng lúa của người dân thu hoạch không kịp trước bão số 5 bị ngập, nhiều khả năng sẽ mất trắng do lúa bị ngâm nước quá lâu.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng lượng mưa ở các địa phương trong tỉnh phổ biến trên 40 mm, có nơi cao hơn như: Trà Giáp: 122,8 mm, Tam Trà: 147,6 mm, Phước Thành: 76,4 mm, Hồ Nước Rôn: 57,8 mm, Hồ Phú Ninh: 53,6 mm, Tam Lãnh: 69,4 mm.
Nước tràn vào nhà, người dân phải kê các vật dụng lên cao để tránh bị ngập. 
Nhiều địa phương miền núi bị chia cắt
Mưa lớn đã gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My…  khiến người dân không đi lại được.
Tại huyện Bắc Trà My, nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện bị sạt lở, giao thông bị chia cắt như tuyến xã Trà Đốc đi xã Trà Bui; tuyến Trà Giác đi Trà Ka. Không chỉ sạt lở đường mà nhiều cầu ngầm trên các tuyến trên bị ngập sâu, chia cắt lưu thông, có cả quốc lộ 40B.
Còn huyện Nam Trà My, nhiều tuyến đường ĐH và tuyến về các thôn, bản bị sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí sạt lở cách UBND xã Trà Vân khoảng 300m, một đoạn dài rộng đến hơn 3m. Hay như đường đường xã Trà Tập, xã Tắc Pỏ có rất nhiều vị trí sạt lở. Nhiều nơi ở miền núi bị cô lập.
Tại huyện Đông Giang, đoạn nối giữa xã Jơ Ngây và Kà Dăng tại ngầm tràn Ba Nga nước lũ dâng cao ngập sâu khoảng 1m khiến việc đi lại hầu như bị tê liệt. Tại thôn Arớt (xã A Ting) đường cũng bị ngập sâu 1m, làm gián đoạn lưu thông.
Đặc biệt là tại xã vùng cao Phước Kim, huyện Phước Sơn, mưa lớn nước lũ đổ về làm trôi ngầm tạm ở địa phương. Hiện thôn Trà Văn A với 76 hộ dân, hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng đã bị cô lập hoàn toàn.
Tuyến đường từ xã Tr’Hy đi xã Axan bị sạt lở, lưu thông rất khó khăn. 
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim Hồ Văn Thương cho hay: “Địa phương đã lên 2 phương án vận chuyển lương thực và cho bà con thôn Trà Văn A. Thứ nhất là dùng cáp treo, thứ hai là vận chuyển bằng đường mòn trên núi, chỉ mong không có sạt lở đất”.
Ngay trong ngày 11/9, ở thôn 3 xã Phước Thành có 26 hộ với gần 200 nhân khẩu bị cô lập do nước dâng cao. Xã đã di dời khẩn cấp 103 hộ đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Công Điểm cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, ngày hôm qua (11/9) huyện đã triển khai công tác sơ tán khoảng 260 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đến nhà người thân, những nơi an toàn trước khi cơn bão đổ bộ. Trong đó, đã sơ tán 160 hộ dân ở 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc đến nơi an toàn”.
Ngoài ra, để tránh việc hàng ngàn người dân tại 3 xã Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc bị cô lập nhiều ngày thiếu lương thực vì các tuyến đường vào 3 xã vùng cao này xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước lớn khiến việc đi lại khó khăn, chính quyền huyện Phước Sơn đã vận chuyển 14 tấn gạo dự trữ đến 3 xã này.