Tại các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đến nay đã có ít nhất 4 người chết (3 người ở Sơn La và 1 người ở Yên Bái). 179 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70% (Điện Biên: 14 nhà; Sơn La: 37 nhà; Yên Bái: 2 nhà; Cao Bằng: 2 nhà; Lạng Sơn: 3 nhà; Thái Nguyên: 1 nhà; Phú Thọ: 3 nhà; Thanh Hóa: 123 nhà; Nghệ An: 8 nhà). 728 hộ dân hiện đang phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 618 nhà; Hòa Bình: 18 nhà; Yên Bái: 75 nhà; Phú Thọ: 9 nhà; Nghệ An: 8 nhà).
Nông nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn khi 1.120ha lúa, hoa màu, thiệt hại. 1.461 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. 114ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. 470m kè và 3.390m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại.Trong một diễn biến khác, báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ảnh hưởng của lũ tới sản xuất lúa hè thu, thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất nặng nề. Diện tích gieo trồng các tỉnh ĐBSCL là 1.601.188ha; đã thu hoạch đến 31/8 là 1.028.983ha, đạt 64%. Diện tích chưa thu hoạch là 572.204ha hầu hết đều nằm trong vùng an toàn, ngoại trừ 137.400ha thuộc vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng lũ. Diện tích gieo trồng ở các tỉnh ĐBSCL đến 31/8 là 462.276ha, đạt 62% kế hoạch. Trong đó diện tích có thể bị ảnh hưởng của lũ là 43.028ha. Diện tích cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng của lũ khoảng 1.000ha lúa nằm ngoài vùng đê bao, bờ bao bảo vệ bị thiệt hại vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 (các diện tích này đều gieo cấy ngoài kế hoạch).