Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ khiến 9 người chết và mất tích, 5 sự cố đê điều xảy ra tại Phú Thọ, Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối giờ chiều 21/8, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp thông tin về tình hình mưa lũ tại miền Bắc.

5 sự cố đê điều tại Phú Thọ, Hà Nội
Trong những ngày qua, các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ đã trải qua đợt mưa lớn kéo dài. Mưa lũ đã khiến ít nhất 8 người chết và 1 người bị mất tích. Hơn 1.004 nhà dân bị hư hỏng, hoặc phải di dời để bảo đảm an toàn. Cùng với đó là nhiều công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học bị thiệt hại do mưa lũ…
Đáng chú y, tại Phú Thọ và Hà Nội đã xảy ra 5 sự cố đê điều. Cụ thể, tại Phú Thọ xảy ra sự cố sạt mái đê phía đồng tại K87+200, K95+100 đê tả Thao, huyện Lâm Thao; Sập đổ dàn van cống Bún tại K62+500 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Tam Nông; Sạt lở bờ sông tại K1+200 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Hạ Hòa.
 Đại diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai thông tin tại cuộc họp chiều 21/8
Tại TP Hà Nội cũng xảy ra 2 sự cố đê điều trong ngày 20/8. Thứ nhất là sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Sự cố thứ hai là sạt lở bờ sông tương ứng K23+450 - K24+000 đê hữu Hồng, huyện Ba Vì. Các sự cố đã được các địa phương tập trung xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu, đến nay đã cơ bản bảo đảm an toàn.
Xung quanh an toàn đê điều, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) Trần Công Tuyên cảnh báo, các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng. 
Bên cạnh đó là 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các cống lớn, đã từng xảy ra sự cố như: Cống Cẩm Đình (K1+700 đê Vân Cốc, Hà Nội), cống Liên Mạc (K53+450 đê hữu Hồng, Hà Nội), cống Tắc Giang (K129+452 đê hữu Hồng, Hà Nam)…
Mực nước sông Hồng còn dưới báo động 1 là 3,78m
Liên quan đến tác động của xả lũ từ Trung Quốc, theo đánh giá của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, ảnh hưởng đến lũ hệ thống sông tại Việt Nam là không lớn. Dù vậy, vẫn khiến mực nước ở Lào Cai lên trên báo động 1, ở Yên Bái lên gần báo động 2. Riêng tại Hà Nội, mực nước sông Hồng lúc 13 giờ chiều nay (21/8) đạt 5,72m, thấp hơn mức báo động 1 là 3,78m (mức báo động 1 tại trạm thuỷ văn Hà Nội là 9,5m). 
 Mực nước sông Hồng tại trạm thuỷ văn Hà Nội vẫn dưới báo động 1 là 3,78m vào 13 giờ chiều 21/8
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, dự kiến 21 - 23/8, mưa sẽ còn tiếp diễn tại miền Bắc. Dù lượng mưa không lớn nhưng không thể chủ quan do mưa đã kéo dài thời gian qua, đất đã bão hoà nước, cùng với địa hình đồi núi dốc nên nguy cơ sạt lở đất rất lớn. Ngoài ra, mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam, trực tiếp là các sông Thao, sông Đà…
Theo đó thời gian tới, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương cần huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra, đảm bảo chống lũ. Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Cùng với đó, tiếp tục kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị theo phương án được duyệt để kịp thời xử lý khi có tình huống. Tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.