Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua nhà ở xã hội: Vất vả khi xác định tình trạng "chưa sở hữu nhà"

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo quy định hiện nay, người muốn mua ở nhà ở xã hội phải trải qua nhiều bước xác nhận tình trạng "chưa có nhà ở thuộc sở hữu". Việc đi lại xác nhận vất vả, tốn kém, thủ tục rườm rà... khiến người mua nhà không được việc; chủ đầu xây dựng nhà xong đóng cửa để đó.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Sáng 5/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng sửa đổi Điều 73 dự thảo Luật, quy định tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai, mà không liệt kê 12 loại đối tượng cụ thể như hiện nay. Bởi lẽ, nếu liệt kê như dự thảo thì những người có thu nhập thấp (vẫn còn trong thực tế nhưng không thuộc 12 đối tượng thống kê tại Điều 73) thì lại không được hưởng chính sách của Nhà nước về nhà ở xã hội.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 75 dự thảo Luật cần được quy định rõ, hiểu đúng, hướng dẫn đúng để tránh những vướng mắc phát sinh trên thực tế. Đơn cử như điều kiện “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình” được xác định là tại địa bàn đối tượng sinh sống, làm việc, thì dù họ có sở hữu nhà ở tại quê quán hay tại các địa phương khác cũng không làm ảnh hưởng đến điều kiện được mua nhà của họ. Hay việc các đối tượng sống chung với bố mẹ là người có nhà ở, nhưng nhà ở đó không thuộc sở hữu của bản thân họ thì vẫn thuộc đối tượng được hưởng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Như So phân tích, hiện nay, khi thực hiện Điều 49, 50, 51 của Luật nhà ở 2014 thì rất vướng. Các đối tượng vẫn phải về quê, về nơi thường trú để xác định tình trạng chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; các địa phương này cũng gặp khó khăn trong việc xác nhận đối tượng có nhà ở tại nơi sinh sống, làm việc hay chưa, dẫn đến hồ sơ bị đùn đẩy, ách tắc. Người muốn mua nhà vất vả, tốn kém đi lại với rất nhiều giấy tờ, thủ tục mà vẫn không được việc. Còn chủ đầu tư xây dựng nhà xong đóng cửa để đấy, đọng vốn mà vẫn phải gánh lãi; dẫn đến tình trạng người bán không bán được, người cần nhà ở cũng không mua được.

Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn tỉnh Lạng Sơn)
Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn tỉnh Lạng Sơn)

"Cần rà soát, cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính về hồ sơ giấy tờ chứng minh, xác nhận tạo thuận lợi cho người lao động được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nhân văn này", đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Về điều kiện thu nhập, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi các qui định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp (mức hiện tại là 11 triệu đồng cho đối tượng nộp thuế và 4,4 đồng cho mỗi người phụ thuộc). Thực tế, mức thu nhập bình quân của 1 công nhân chỉ đáp ứng được khoảng 80% chỉ tiêu thì việc tích lũy mua nhà là điều bất khả thi. Tiêu chí xác định “thu nhập thấp” chưa tính đến tỷ lệ chi phí trả cho ngôi nhà trên tổng thu nhập hộ gia đình khiến người lao động thu nhập thấp khó có thể mua được nhà ở xã hội.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội hỗ trợ thêm lao động hợp đồng, lao động tại các cơ quan hành chính nhà nước như: lái xe, tạp vụ. bảo vệ. Họ là những người có thu nhập thấp hơn cả công nhân trong khu công nghiệp. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc mở rộng các đối tượng ngoài khu công nghiệp, lao động tự do thu nhập thấp, có hộ khẩu đăng ký trên địa bàn nhưng chưa có nhà ở được tiếp cận các gói hỗ trợ về nhà ở xã hội hoặc xây mới, cải tạo nhà ở thông qua các tổ chức chính trị, xã hội.

Đề xuất quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ chung cư

Liên quan đến quy định cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tỏ (Thứ trưởng Bộ Công an, Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề xuất, để tạo thuận lợi trong việc xác định cụ thể các khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tại Điều 18 dự thảo Luật về khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đề nghị bổ sung khoản 3 như sau: “Chính phủ quy định chi tiết việc xác định những khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng, không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở”.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Đồng thời, tại Điều 19 dự thảo Luật về đối tượng và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, đề nghị cân nhắc chỉnh lý theo hướng: tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở là căn hộ chung cư tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại thuộc khu vực được phép sở hữu; không nên quy định họ được phép mua, sở hữu nhà ở riêng lẻ cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai. Bởi vì, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đều quy định việc công nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài ở nước ta.

Cơ bản đồng tình với việc mở rộng đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở so với Luật 2014, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: Để đảm bảo sự chặt chẽ trong quản lý, đề nghị bổ sung 2 quy định: Phải thông qua tổ chức môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có giấy phép hoạt động, thậm chí là đấu giá công khai; Bổ sung thời gian sở hữu đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là 50 năm.

Đồng thời đề nghị sửa đổi khoản c, điều 19 về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể mua bán, cho thuê lẫn nhau: Nên bổ sung rõ là thông qua tổ chức môi giới, trung gian được phép hoạt động (để đảm bảo công tác quản lý cũng như đảm bảo việc chấp hành các quy định về thuế chuyển nhượng, thuế thu nhập phát sinh khi cho thuê nhà).

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể cho, tặng, hiến tặng nhà ở cho các tổ chức, cá nhân trong nước (vì mục đích nhân đạo).