4 năm sinh sống tại Thủ đô, Lê Quang Khải (22 tuổi, hiện làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Hà Nội) luôn đau đáu về một căn nhà của riêng mình trong khu vực nội thành.
Sau thời gian dài làm việc cật lực, Quang Khải tích lũy được 1,2 tỷ đồng. Cuối năm 2023, Quang Khải quyết định vay thêm tiền ngân hàng để mua một căn chung cư tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thời điểm đó, căn chung cư vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, có giá 2,7 tỷ đồng.
Để gồng gánh được 8 triệu đồng tiền lãi hàng tháng, Quang Khải khá chật vật. Mỗi ngày, anh phải dành ít nhất 10-12 tiếng cho công việc. Nhiều hôm, Quang Khải chỉ được ngủ vỏn vẹn 3 tiếng buổi đêm.
“Tiền trọ, tiền sinh hoạt, tiền học, thêm cả tiền lãi ngân hàng khiến tôi gần như kiệt sức. Thế nhưng, để thực hiện giấc mơ, tôi luôn tự động viên bản thân cố gắng” - Khải bày tỏ.
Tháng 9/2024, căn hộ hoàn thành, Khải được bàn giao nhà. Sau khi xem xét kỹ tình hình, Khải quyết định chuyển sang ở trọ. Căn chung cư được Quang Khải cho một gia đình trẻ thuê với giá 15 triệu đồng/tháng.
“Tôi thấy khá sáng suốt khi quyết định cho thuê sớm. Không những không áp lực về tiền lãi ngân hàng, tôi còn tự tạo ra được một nguồn thu nhập thụ động mà vẫn sở hữu nhà” - Khải cho hay.
Tương tự, Nguyễn Minh Hiếu (21 tuổi, hiện làm trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội) cũng vừa quyết định chuyển sang ở trọ và cho thuê căn chung cư của mình.
Được biết, căn hộ của gia đình Minh Hiếu nằm trong khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), mua vào năm 2020 với giá gần 2 tỷ đồng. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, Minh Hiếu thuyết phục bố mẹ cho thuê căn hộ với giá 10 triệu đồng/tháng, bản thân chấp nhận ở trọ.
Minh Hiếu cho biết: “Tôi không cảm thấy ở trọ là khổ sở. Trái lại, khi ở trọ, tôi còn học được cách sống tối giản vì không cần trang hoàng cầu kỳ cho căn phòng. Hơn nữa, từ nguồn lợi của căn hộ, ngoài tiền thuê trọ, tôi còn dư khá nhiều để tiết kiệm và trả các chi phí khác”.
Trong tương lai, nếu giá cả phù hợp với tiêu chí, Minh Hiếu sẵn sàng bán căn nhà hiện tại để mua một căn hộ khác. Theo Minh Hiếu, thay vì hy sinh mọi thứ chỉ để có một chỗ ở ổn định, mọi người nên tính toán hợp lý nhằm đạt nhiều mục tiêu tài chính cùng lúc.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - cho rằng, việc đầu tư nhà cho thuê có nhiều điểm tích cực. Theo đó, người chủ sẽ sở hữu nguồn thu nhập thụ động ổn định mà vẫn giữ được tài sản của mình. Hơn nữa, thông qua xu hướng kinh doanh này, nguồn cung nhà ở tăng lên, nhu cầu thuê nhà cao của người dân được đáp ứng.
Bên cạnh những mặt lợi, ông Phong cũng cho biết: “Hình thức kinh doanh này cũng có thể gây lỗ nếu chủ đầu tư vay tiền để xây hoặc mua nhà cho thuê. Theo tôi, việc bỏ tiền tỷ ra để xây hoặc mua nhà cho thuê không thu về lãi suất cao, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, vì chi phí lớn mà giá cho thuê chưa cao. Việc cho thuê nhà còn có thể dẫn đến nhiều tranh chấp, rủi ro về hư hại tài sản, mất cắp…”.