Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa ốc gạo bãi ngang

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mùa ốc gạo kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm. Vào độ này, nghề cào ốc gạo đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân bãi ngang tỉnh Quảng Ngãi.

Đi từ 2, 3 giờ sáng
Trở về đất liền sau gần 6 tiếng liền cào ốc trên biển, 2 tay mỏi nhừ, giữa cơn nắng vàng rộm của miền Trung đang độ tháng 3, ngư dân Thiều Văn Quyết (thôn Tân Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) quệt vội giọt mồ hôi trên gương mặt đen sạm, thở một hơi mạnh và dài rồi nhanh tay xốc lại bao gốc gạo, cùng với bạn đi ghe thoăn thoắt khiêng vào bờ. Nơi đó, các tiểu thương đang chờ sẵn.
 Ngư dân khai thác ốc gạo trên biển.
“Phải đi từ 2 giờ sáng, điều khiển sào cào ốc rất cực nhọc, có hôm mỏi rũ tay, không bưng nổi chén cơm để ăn”, ngư dân Quyết chia sẻ.  
Những ngày này, vùng bãi ngang biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức nhộn nhịp mỗi sáng. Ngư dân ra biển khai thác ốc gạo (hay còn gọi là ốc ruốc). Đông đúc thương lái đến thu mua chở đi khắp nơi.
Nghề cào ốc gạo là nghề tương đối vất vả, nặng nhọc, do đó đòi hỏi các ngư dân phải có sức khỏe tốt, không phải ai cũng có thể làm được.
Tầm 2,3 giờ sáng, những chiếc ghe bắt đầu ra biển cào ốc. Cào ốc gạo không cần đầu tư nhiều, chỉ chuẩn bị một cái cào bằng tre hoặc sắt dài tầm 8m, một đầu gắn vợt để cào xuống cát. Mỗi ghe cào ốc có từ 2 đến 3 người. Người làm nhiệm vụ lái ghe, những người còn lại điều khiển vợt cào ốc. Nếu cào từ 2 giờ sáng, đến trưa là vào bờ bán ốc.
 Dụng cụ cào ốc là chiếc gậy tre hoặc sắt có phần đầu bọc lưới.
Ốc gạo có nhiều ở vùng biển Quảng Ngãi, nhưng con ốc ở xã bãi ngang Đức Minh là được ưa chuộng hơn cả. Thương lái thu mua ốc ở đây giá cũng cao hơn các vùng khác.
“Ốc gạo ở bãi ngang này cát không bùn, ngon hơn. Nước không có nước sông, nước suối gì xuống. So với các biển khác, mình làm đây ốc ngon là do nguồn nước ở bãi ngang cát”, ông Nguyễn Văn Sang (thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) chia sẻ.
Thu tiền triệu mỗi ngày
Sau khoảng 6 giờ ra biển, những chiếc ghe chở về đầy ốc gạo. Trung bình mỗi ghe khai thác được khoảng 3 tạ/ngày. Ốc vừa được chuyển lên bờ là thương lái đợi sẵn thu mua.
 Ốc gạo được thương lái thu mua và chuyển đi nhiều tỉnh, thành
Giá ốc tùy thuộc vào độ lớn nhỏ, từ 700 ngàn đến 1,5 triệu/tạ, ốc lớn giá từ 3 – 4 triệu/tạ cũng có. Thương hiệu ốc gạo Đức Minh được khẳng định không chỉ ở Quảng Ngãi. Hiện giờ, mỗi ngày ốc gạo Đức Minh theo thương lái đi khắp vùng thành thị, nông thôn ở miền Trung, Tây nguyên.
“Bạn hàng thu mua thì chở Đà Nẵng có, Vũng Tàu có, Phan Thiết có, Đăk Lăk, đi nhiều lắm chứ không riêng Quảng Ngãi. Quảng Ngãi tiêu thụ ít hơn các nơi. Chở vô biết bao nhiêu xe lớn, vô thu rồi đóng bao là đi hết. Quảng Nam, Đà Nẵng không”, ông Nguyễn Văn Sang (thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh) cho hay.
 Ngư dân khiêng ốc đưa vào bờ.
Theo những người làm nghề cào ốc, năm nay số lượng ốc giảm hơn mọi năm, tuy nhiên được cái ốc to nên thương lái thu mua với giá cao hơn rất nhiều lần so với mọi năm. Trung bình một người  kiếm được vài triệu đồng mỗi ngày.
Các thương lái thu mua ốc chia sẻ, ốc càng lớn có giá càng cao, đặc biệt ốc gạo không bán theo ký mà tính theo bao.
“Kích cỡ bao đựng ốc được quy định trước, một bao đầy nặng khoảng 100kg. Năm nay ốc rất to nên có giá gần gấp đôi năm ngoái”, một thương lái cho biết.
 Nghề cào ốc gạo cho thu nhập khá cao.
Kết thúc mùa ốc gạo, mỗi ngư dân làm nghề cào ốc gạo có thể kiếm được vài chục đến cả trăm triệu đồng. Có đi là có tiền, ngư dân Đức Minh hiểu được rằng bảo vệ nguồn ốc là giữ để giữ được nghề và nguồn sống, phải nuôi cho ốc lớn, không cào ốc nhỏ.
Mùa ốc gạo thường kết thúc rất nhanh, tầm hơn 3 tháng nên giờ điểm vùng biển bãi ngang Đức Minh khá rộn ràng và hối hả. Ốc gạo là báu vật của biển dành cho ngư dân Đức Minh. Bé như hạt gạo, nhiều màu sắc xinh, ốc gạo chế biến được những món gây thương nhớ cho bao người.