Tinh hoa của đất trời
Tháng 6 về, mùa hoàng điệp vàng kết thúc, nhánh bằng lăng tím dần nhạt màu, là lúc hoa sen trong các đầm ở trong Kinh thành và vùng ven đô Huế khoe sắc, tỏa hương thơm mát. Màu xanh của lá, sắc hồng phấn hay trắng tinh khiết của những đóa sen cứ thế trải khắp cả một khung trời Cố đô, khiến ai đi ngang qua cũng phải ngỡ ngàng, xuýt xoa.
Nói về sen thì e rằng không đủ giấy mực để tả hết nét thanh tao quý phái của loài hoa giản dị này. Từ lâu, sen đi vào thơ ca với những “Thái liên khúc” tuyệt mỹ, với những cảm hứng xuất thần khi bắt gặp vẻ đẹp thuần khiết của những đóa sen thanh. Sen trở thành biểu tượng của dân tộc và thưởng sen cũng trở thành thú điền viên thanh tịnh.
Sen Huế mang trên mình vẻ đẹp tươi sáng, thanh cao và mộc mạc. Ẩn chứa bên trong đó là sự bất khuất, kiên cường của thời gian và tạo hóa đất trời. Chẳng thế mà hoa sen đã đi vào đời sống hằng ngày như tượng trưng cho vẻ đẹp cao sang mà thuần khiết, ý chí mãnh liệt vươn lên trong mọi hoàn cảnh của dân tộc Việt.
Được chọn là biểu tượng của Phật giáo, là quốc hoa Việt Nam và xếp vào hàng “tứ quân tử” gồm tùng, trúc, sen, cúc; bởi loài hoa này có một sức sống mạnh mẽ đến lạ kỳ. “Viên ngọc” ủ mình dưới lớp bùn sâu, đợi những tia nắng ấm áp rồi vươn lên khỏi mặt nước. Từng đóa hoa nở tươi tắn và khoe sắc. Chỉ đợi như thế, đợi cơn mưa rào của đầu hạ rồi bừng dậy tràn trề sức sống.
Sen trắng tinh khiết trong Hoàng thành
Sen từ xưa đến nay đã rất gắn bó với con người xứ Huế, được biểu hiện qua lối kiến trúc, ẩm thực cũng như văn hóa nơi đây. Ở Huế, đi đâu cũng thấy hồ sen, ao sen. Hoàng cung Huế cũng không ngoại lệ, ở đó, du khách sẽ được hít hà hương thơm thanh nhẹ và thưởng lãm vẻ đẹp tinh khiết của sen trắng chốn cung đình.
Cái cổ kính của rêu phong dường như hòa quyện với cái bình dị của hoa sen đã tạo cho kinh thành Huế một vẻ đẹp riêng, xưa mà không cũ. Theo tài liệu nghiên cứu, dưới thời vua Nguyễn, ao hồ ở các khu di tích thường chỉ trồng sen trắng - giống sen có bông thơm, hạt ngon. Do tác động chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và môi trường nước ô nhiễm nên giống sen trắng đã giảm nhiều về số lượng lẫn chủng loại. Trong các hồ ở khu di tích, sự xuất hiện của loài sen trắng rất hạn hữu...
Từ nguồn giống hiếm hoi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành kết hợp với xử lý đáy hồ và môi trường nước ở các hồ di tích nên đã nhân giống thành công. Dưới cái nắng mùa hạ, từng búp sen tô thêm phần rực rỡ cho các hồ trong Đại Nội Huế. Hình ảnh sen vươn mình đón những giọt sương long lanh khi ánh mặt trời tỏa xuống. Chiều chiều sen lại e ấp, khép nhẹ dưới nắng hoàng hôn. Hình dáng mộc mạc nhưng lại tỏa hương thơm tươi mát, dịu dàng đến say đắm lòng người.
Hương sen dịu mát vùng ngoại ô
Rời xa phố thị tấp nập, về các vùng ngoại ô xứ Huế như La Chữ, Hương Vinh, Quảng Điền… đâu đâu cũng có thể bắt gặp những cánh đồng lúa trải dài xanh ngắt. Xen kẽ trong đó là những hồ sen với sắc đỏ hồng, xanh trắng đang nở rộ. Trong bàu nước mênh mông ấy, từng cuốn sen già đâm xuống lớp bùn sâu, tìm dưỡng chất cho hạt bùi, hoa thơm, lá xanh tươi. Tất cả hiện lên như một “tấm thảm xanh” trên mặt hồ, gió bạt ngàn tỏa hương đi xa. Chính hương thơm trong lành, chân chất của sen chốn ngoại ô đã làm dịu mát cái nắng chói chang mùa hạ, khiến lòng người cảm thấy thư thái hơn sau một ngày vất vả, bận rộn.
Đến Huế vào mùa sen tháng 6, du khách sẽ phải say lòng với những món ăn từ sen có hương, có sắc, có chút tình tứ giao thoa của đất trời. Dân dã, cao sang mà vẫn mộc mạc, gần gũi. Cái thơm mát, thanh nhã và tinh tế của sen đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ấn định phong cách riêng cho ẩm thực thanh cao của hoàng gia xứ Huế. |
Tinh túy ẩm thực từ sen
Người Huế chỉ ưa dùng sen trên chính đất Huế, nhưng sen dùng nấu trong bữa ăn cung đình bắt buộc phải lấy từ hồ Tịnh Tâm và phải là sen tươi để giữ nguyên hương vị tinh túy.
Sen tươi hái về sẽ được tận dụng mọi bộ phận để chế bến: Lá để gói, hấp thực phẩm cho thơm, cánh hoa dùng ướp trà, củ sen đem hầm hoặc nhồi tôm thịt rán,… Đặc biệt phần quan trọng nhất là tim sen sẽ được sử dụng trong đủ công thức mặn ngọt, từ khai vị đến món chính trong thực đơn hoàng gia. Hạt sen Huế nhỏ, đặc trưng nằm ở vị bùi rất nhẹ và khá xốp.
Món làm từ sen trong cung đình Huế thì nhiều vô kể, nhưng để chọn ra đại diện cho ẩm thực hoàng gia thì người ta dễ dàng nghĩ ngay đến hai công thức: Cơm hấp lá sen và chè hạt sen nhãn lồng. Ngày nay hai món này xuất hiện đại trà nhưng trong quá khứ, công thức trên chỉ được phục vụ trong phạm vi hoàng thất mà thôi.
Đặc biệt, cơm lá sen còn được xếp vào hàng ngự thiện, món chỉ dùng dâng vua. Đĩa cơm hấp lá sen được mô phỏng theo dáng một bông sen bung nở, cơm và nhân gói kỹ trong lá sen đã thấm nhuần cái hương thơm mát của loại thực vật đặc trưng cho xứ Huế này, tạo nên một sự giao hòa trọn vẹn giữa ẩm thực với thiên nhiên. Chè hạt sen nhãn lồng thơm lừng, thanh mát, ngọt nhẹ từ cùi nhãn và đường phèn xua đi cái oi bức… Và còn vô số món ngon khác từ sen khiến thực khách phải ngẩn ngơ nhớ về.