Niềm vui được mùa, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt của mỗi người dân.
Bớt đi mệt nhọc
Chăm chú theo dõi chiếc máy gặt đập liên hoàn đang chạy trên ruộng, anh Nguyễn Văn Giới, thôn 3 không giấu nổi niềm vui: “Giờ có máy móc hỗ trợ nên làm nông nghiệp đỡ vất vả hơn, cả thửa ruộng to mà chỉ mất hơn chục phút là thóc ra thóc, rơm ra rơm. Nông dân chỉ việc đánh xe ra đầu bờ chở thóc về phơi”. Theo anh Giới, trước đây, khi ruộng đồng còn manh mún, chỗ cao chỗ thấp, mỗi nhà có tới 5 - 7 thửa ruộng trải khắp các xứ đồng, mỗi lần đi thăm đồng cũng phải mất nửa ngày và mùa gặt rất vất vả. Tuy nhiên, sau khi DĐĐT, máy móc thay thế sức người ở hầu hết các công đoạn, từ làm đất đến thu hoạch nên công việc đồng áng giờ bớt mệt nhọc hơn rất nhiều.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, cùng với DĐĐT, xã Phù Lưu Tế đã tiến hành kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 14,7km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu, điều tiết nước kịp thời vụ. Hệ thống giao thông nội đồng cũng được bê tông hóa khang trang rộng rãi, thuận tiện cho bà con vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch. Với những việc làm thiết thực đó, việc canh tác của người nông dân vừa tiết kiệm chi phí, công lao động mà năng suất cũng cao hơn hẳn. Đây chính là thành quả lớn của công cuộc xây dựng NTM.
Tổ chức lại sản xuất
Vụ Xuân 2017, toàn xã Phù Lưu Tế gieo cấy 400ha lúa. Đến nay, tiến độ thu hoạch đạt trên 80% diện tích với năng suất trung bình đạt 66 tạ/ha. Chị Trần Thị Hà, thôn 3 hồ hởi cho biết: “Năm nay, thời tiết ít mưa, tưởng là mất trắng mấy sào ruộng, nhưng nhờ địa phương điều tiết nước kịp thời nên năng suất lúa vẫn đảm bảo, thậm chí còn cao hơn những năm trước”.
Chia sẻ về điều này, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Phù Lưu Tế Nguyễn Công Nam cho biết, ngay từ đầu vụ, UBND xã đã giao cho HTX phải giám sát kiểm tra, dự báo phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước kịp thời vụ cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hoạch lúa, HTX đã tập hợp 5 máy gặt đập liên hoàn trên địa bàn xã, mỗi máy được chia địa bàn hoạt động riêng. Sau khi thóc được đóng thành bao tải, máy sẽ có nhiệm vụ vận chuyển lên tận đường chính để bà con thuận tiện chở về nhà.
Đến hết năm 2016, xã Phù Lưu Tế đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn khởi sắc, thu nhập của người dân được nâng cao. Đây cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động nông thôn trong thời gian tới.