Chênh lệch 2,2 triệu đồng/lượng
Phiên giao dịch đầu tuần (23/8) tiếp tục chứng kiến mức chênh lệch giá mua - bán vàng rất lớn.
Ảnh minh họa |
Theo Kitco News, giá vàng thế giới mở cửa giảm 0,13% xuống 1.778,4 USD/ounce vào lúc 6 giờ 55 (giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0,21% xuống 1.780,75 USD. Giá vàng giảm trong khi đồng USD phục hồi trở lại, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Tại thị trường vàng trong nước, trên website của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn lúc 8 giờ 30, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 56,45 triệu đồng/lượng (mua vào) - 57,17 triệu đồng/lượng (bán ra).
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 48,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 8 triệu đồng/lượng, tiếp tục duy trì chênh lệch ở mức cao trong những ngày qua.
Tuy nhiên, vàng trong nước còn ghi nhận chênh lệch cao giữa giá mua và bán. Giá vàng PNJ sau khi được doanh nghiệp điều chỉnh tăng mạnh cũng giãn rộng khoảng cách với giá thế giới lên trên 4,3-4,5 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng trang sức cao hơn giá thế giới khoảng 2,3 triệu đồng/lượng. Tương tự, chênh lệch giá vàng nhẫn tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện cũng lên tới 1,6 - 2,2 triệu đồng/lượng. Trong đó giá mua vào ở mức 56,25 triệu/lượng và bán ra ở giá 57,85 triệu đồng. Vàng nữ trang 4,97-5,27 triệu đồng/lượng.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh và việc các TP lớn phải thực hiện giãn cách xã hội, đại diện những DN vàng cho biết thanh khoản vàng miếng đã xuống rất thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng.
“Chênh lệch biên độ mua – bán vàng nhẫn bị nới rộng so với vàng miếng là do toàn bộ giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện nay đã không còn thanh khoản. Trong khi đó, mặt hàng vàng nhẫn vẫn được các công ty bán ra qua kênh online, do yếu tố nguồn cung hạn chế nên chênh lệch giá bị nới rộng”- Tổng giám đốc Công ty Vàng Sacombank – SBJ Tô Thanh Hiệp chia sẻ.
Giá lên hay xuống, nhà đầu tư đều thiệt
Cả thị trường vàng trong nước và thế giới đã khép lại tuần giao dịch giữa tháng 8/2021 với diễn biến cùng chiều khi đồng loạt giảm. Nhìn vào triển vọng giá vàng tuần này (23 - 29/8/2021), các chuyên gia trên Kitco News cho rằng, giá quý kim này sẽ khó có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce. Các nhà phân tích lưu ý rằng, thị trường vàng đang bị tác động bởi nhiều lực lượng khác nhau, khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát gia tăng và sự phục hồi đã chậm lại do đại dịch Covid-19.
Người mua vàng trong nước nối dài chuỗi thua lỗ nếu đầu tư ngắn hạn. Trong khi giới chuyên gia quốc tế nhận định đây là thời điểm tốt để đầu tư, thì vàng trong nước chênh lệch giá mua vào - bán ra quá lớn khiến người mua dễ gặp rủi ro. “Do thị trường vàng trong nước không được liên thông với giá thế giới khi bị cấm nhập khẩu và xuất khẩu vàng”, chuyên gia Trần Thanh Hải nói. Và ngay cả khi giá thế giới có tích cực, chuyên gia cho rằng mua vàng trong nước sẽ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro.
Cụ thể, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt thấp hơn 8 triệu so với giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra. Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn 16% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới. Thêm nữa, việc các đơn vị kinh doanh trong nước điều chỉnh chênh lệch mua vào - bán ra quá cao sẽ đẩy rủi ro về phía người mua.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 300.000 đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên với mức chênh 1.000.000 đồng/lượng là cao, và gần 2.000.000 đồng/lượng là rất cao. “Việc đẩy chênh lệch mua vào - bán ra quá cao có nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Với trạng thái giá vàng trong nước và quốc tế thường chênh lệch rất lớn, giá mua vào cũng thấp hơn nhiều so với bán ra thì việc lướt sóng giá vàng của một số nhà đầu tư có thể không được lời như mong đợi. TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol - Anh quốc |
Trước thực trạng giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho phép lưu hành thêm các loại vàng miếng khác ngoài thương hiệu SJC (độc quyền); sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012. Ngoài ra cơ quan này cũng có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên mức thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ bằng 0%. Theo VGTA, nếu áp dụng theo mức thuế 2% như dự thảo, sẽ khó nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 6 – 8 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, nếu quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến là 2% có thể khiến việc xuất lậu qua biên giới tăng lên, khó kiểm soát; đồng thời gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. |