Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, thuộc quần thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, địa đầu phía Bắc của Tổ quốc.
Với địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh và có độ dốc lớn, chủ yếu là núi đá khiến giao thông đi lại khó khăn, hạn chế sự giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội giữa các vùng trong huyện.
Nằm trong vành đai chí tuyến Bắc, khí hậu Mèo Vạc mang tính Á nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Mùa đông lạnh giá, nhiệt độ có thể xuống 2°C, gây mưa tuyết. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi và ít sông suối, mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Theo thống kê của Tỉnh uỷ Hà Giang, đến tháng 12/2022, huyện Mèo Vạc có 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố; 17 dân tộc như: Mông, Lô Lô, Dao, Giáy, Tày, Kinh, Nùng, Hoa, Sán Chay, Cờ Lao, Pu Péo…, đông nhất là dân tộc Mông với 17.218 hộ.
Cũng theo thống kê, số hộ nghèo tại huyện Mèo Vạc chiếm đến 63,92%.
Trước những thông tin về sự khó khăn của bà con vùng cao nơi đây, căn cứ vào sự chỉ đạo của Đảng uỷ - Ban Biên tập - Ban Chấp hành Công đoàn Báo Kinh tế và Đô thị, Ban Các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú (VPĐD&PVTT) đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình “Áo ấm cho em”, trao tặng khăn áo ấm và các phần quà cho trẻ em tại các xã vùng biên giới gặp nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Được sự tham mưu và phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, sự giúp đỡ của Huyện đoàn Mèo Vạc, Báo Kinh tế & Đô thị đã quyên góp ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại hai xã nghèo Khâu Vai, Lũng Pù thuộc huyện Mèo Vạc.
Ngay sau khi thông tin được chuyển đi, Báo đã nhận được sự ủng hộ từ Tập đoàn Vinamilk, Công ty CP sữa Fivimilk, Tập đoàn dược phẩm Biomeo, Công ty CP Dược & Mỹ phẩm Gia Phú, Trường Tiểu học An Hồng (Hải Phòng), Công ty Hải Hào (Hải Phòng), Xưởng gấu bông Bon Bon, Shop thực phẩm Mẹ Moon, Shop quần áo Sâu Tằm, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm mọi miền đất nước và các cán bộ, PV trong Ban Các VPĐD&PVTT. Được sự giúp đỡ của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, Đoàn Thành niên huyện Mèo Vạc, các PV đã chuẩn bị 350 phần quà gồm: khăn mũ, áo ấm mới, sữa bột, sữa tươi, mứt Tết, mì tôm, một số đồ thực phẩm, gấu bông, và 50 triệu đồng tiền mừng tuổi để chuyển đến cho các cháu học sinh hai trường Mầm non Lũng Pù và Khâu Vai.
Theo anh Thế Anh, cán bộ Huyện đoàn Mèo Vạc thì đời sống Nhân dân ở hai xã Lũng Pù, Khâu Vai đặc biệt khó khăn. Mặc dù được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để phát triển nhưng do dân trí thấp, việc tảo hôn vẫn còn tồn tại nên mỗi gia đình trẻ hầu hết sinh con “thuận tự nhiên”, trung bình từ 3-4 con, nên cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là hai xã có số lượng trẻ mầm non lớn nhất huyện (Khâu Vai 743 cháu, Lũng Pù 594 cháu).
Điểm đến đầu tiên của đoàn là trường Mầm non xã Khâu Vai. Khâu Vai là một xã đặc biệt khó khăn, nằm cách huyện lỵ Mèo Vạc khoảng 24 km, cách trung tâm TP Hà Giang hơn 100km, bao gồm 12 thôn, bản, trong đó hộ nghèo chiếm 60%. Tại đây, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện vị trí địa lý, khí hậu khắc nghiệt, người dân sinh sống không tập trung, chủ yếu canh tác trồng ngô một vụ vì thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Đây cũng là nơi có chợ tình Khâu Vai (chợ tình Phong Lưu) nổi tiếng với lịch sử gần 100 năm, họp vào ngày 27/3 Âm lịch hàng năm.
Trường Mầm non xã Khâu Vai có một điểm trường chính và 19 điểm trường lẻ với 743 học sinh, điểm trường gần nhất cách trung tâm xã 4 km, điểm xa nhất cách trung tâm xã 15 km đèo dốc quanh co, có điểm trường đường xã đi lại rất khó khăn đường đất đá, chưa có đường bê tông. Nơi đây có 95% học sinh là người dân tộc Mông, đa số phụ huynh không biết tiếng phổ thông, công việc chủ yếu là làm nương.
Đường đến hai xã vùng biên giới Hà Giang khá xa, đèo dốc cua tay áo nhiều, một số PV, tình nguyện viên say xe. Tuy nhiên, khi đến nơi, nhìn thấy cô và trò của trường đã háo hức đợi chờ từ sớm, tất cả các PV đều quên hết mệt mỏi, nhanh chóng sắp xếp quà để trao tặng cho các cháu học sinh.
Tại đây, chúng tôi gặp A Dúa, mới 21 tuổi, khuôn mặt khá xinh xắn, nhanh nhẹn, đã có 2 con nhỏ. Trên lưng địu đứa con nhỏ được hơn 1 tuổi, tay dắt đứa con thứ 2 chừng hơn 2 tuổi, đứng ở cổng trường mầm non, ngượng nghịu khi được một PV trao sữa. Dúa nói tiếng Việt không sõi, chỉ lúng búng nói cảm ơn và bảo: “lâu lắm rồi mới có đoàn đến nơi đây tặng quà, mừng lắm!”.
Cách đó không xa là A Sử (11 tuổi), người nhỏ bé, mỏng như cái cây ngô cằn trên núi đá, hớn hở chạy vào trường. Em cùng các cô chú PV sắp xếp quà tặng cho các bạn nhỏ. Khi được hỏi về việc đi học, Sử nói chỉ ghé xem phát quà rồi lại về trường. Nhà em có 4 anh chị em, trong đó một em nhỏ đang học lớp mầm non tại đây.
Cậu bé mân mê bộ khăn mũ ấm vừa được nhận, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Một PV ân cần bảo: “Đội vào cho ấm nhé,” Sử rối rít cảm ơn. Chỉ vài phút sau, em đã xuất hiện ngoài cổng trường, khăn quàng cổ, mũ đội đầu, líu lo bằng tiếng dân tộc, khoe với đám bạn đang nghển cổ nhìn qua hàng rào.
Cô giáo Phạm Thị Thuý Loan, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Khâu Vai chia sẻ: “Điều kiện học tập tại đây hết sức thiếu thốn, thiếu nước sinh hoạt, thuốc men, thiếu cả sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, do phụ huynh đi làm ăn xa, các con ở với nhà với ông bà, người thân. Chính vì thế, các thầy cô rất thương các con, luôn dành những gì tốt nhất có thể cho các con, mong bù đắp phần nào. Hầu hết các cô giáo đều là người ở các nơi khác về, chấp nhận cắm bản cắm trường. Vì điều kiện địa lý xa xôi nên nhiều cô giáo phải hy sinh tình cảm riêng tư, đến giờ vẫn một mình sớm tối.”
Thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh trường Mầm non xã Khâu Vai, cô Loan trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà đoàn đã dành cho nhà trường. Nhà trường cũng xin được gửi lời cảm tạ đến các tấm lòng vàng, các mạnh thường quân đã chung tay ủng hộ, giúp đỡ và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của đoàn và các mạnh thường quân trong thời gian tới, giúp nhà trường làm tốt hơn công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục học sinh.
Chia tay với điểm trường Mầm non xã Khâu Vai, điểm đến tiếp theo của đoàn là trường Mầm non xã Lũng Pù. Lũng Pù cũng là một xã khó khăn, nằm cách huyện lỵ hơn 23km với 100% đồng bào dân tộc Mông ở hầu hết trên núi cao.
Trường Mầm non Lũng Pù có một điểm chính và 10 điểm trường lẻ, tổng số học sinh là 594 cháu, 100% các cháu là con em đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Phần lớn các em có điều kiện kinh tế gia đình thuộc hộ nghèo và cận nhiều, khoảng 30% thuộc hộ trung bình nhưng nhìn chung cũng thuộc diện khó khăn.
Hiệu trưởng trường Mầm non Lũng Pù, cô giáo Mua Thị Cáy xúc động nói: “Sự quan tâm của Báo Kinh tế và Đô thị cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm khiến thầy và trò của trường rất cảm động. Thay mặt thầy và trò, xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi người đã dành những phần quà ý nghĩa tới các cháu học sinh và nhà trường trong dịp mùa đông giá lạnh. Ngoài ra, để đảm bảo công tác chăm sóc và giáo dục, nhà trường cũng mong muốn nhận được hỗ trợ về quần áo ấm, mũ, tất mùa đông, chăn, đệm, chiếu, quạt sưởi, nhu yếu phẩm bổ sung bữa ăn trưa cho trẻ tại trường chính".
Hành trình trao tặng quà từ thiện tại hai điểm trường Mầm non xã Khâu Vai và xã Lũng Pù không chỉ là một chuyến đi ý nghĩa, mà còn là dịp để sẻ chia yêu thương, gắn kết những tấm lòng nhân ái.
Nhìn những ánh mắt ngây thơ rạng rỡ và những nụ cười trong trẻo của các em nhỏ, chúng tôi càng thấu hiểu giá trị của sự cho đi và niềm vui được lan tỏa. Đây sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại niềm vui và hy vọng cho những mầm non tương lai, góp phần xây dựng một xã hội ấm áp tình người.
Một lần nữa, Báo Kinh tế và Đô thị xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, đồng hành với Báo trong các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào các tỉnh vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống…
Trong thời gian tới, Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động xã hội, chia sẻ với người yếu thế, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, để góp phần mang lại sự no đủ, ấm áp đến với mọi nhà.
15:40 14/01/2025