70 năm giải phóng Thủ đô

Mức hỗ trợ mới cho chủ xe thô sơ ba, bốn bánh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy định chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông; xe lôi máy; xe cơ giới ba bánh; xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn.

KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy định chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông; xe lôi máy; xe cơ giới ba bánh; xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn.

Đối tượng được hỗ trợ là chủ sở hữu phương tiện của loại xe bị đình chỉ tham gia giao thông gồm: xe thô sơ ba bánh, xe thô sơ bốn bánh; Xe cơ giới ba bánh đã được cấp đăng ký và gắn biển số nhưng bị đình chỉ tham gia giao thông vì địa bàn hoạt động nằm trong phạm vi UBND TP Hà Nội quy định “cấm xe cơ giới ba bánh tham gia giao thông” và chủ phương tiện không thể đưa phương tiện đến hoạt động tại khu vực khác; xe cơ giới ba bánh không có đăng ký và biển số theo quy định; xe lôi máy (loại xe cơ giới hai bánh kéo theo thùng để chờ người, hàng hoá); xe công nông được lắp ráp từ các động cơ diezen một xi lanh và tận dụng các tổng thành ôtô (còn được gọi là xe đầu ngang, xe độ chế).

Các chủ phương tiện thuộc diện nêu trên có xe hiện nay đang bị công an thu giữ cũng là đối tượng được hỗ trợ. Đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật thì thực hiện hỗ trợ đối với chủ phương tiện có trong danh sách kết quả điều tra, khảo sát trước ngày 29-4-2009 của liên ngành Giao thông Vận tải - LĐ-TB&XH và UBND các quận, huyện, thị xã.

Cũng theo quy định mới, mức hỗ trợ cho các trường hợp chủ phương tiện mua xe cơ giới ba bánh, bốn bánh (loại xe được phép lưu hành theo quy định của pháp luật) hoặc chuyển đổi nghề để thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông là 5 triệu đồng cho 1 xe phải thay thế. Đối với trường hợp mua xe tải để thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, ngoài mức hỗ trợ 5 triệu đồng cho 1 xe phải thay thế còn được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng cho 1 xe tải mua mới, tuy nhiên, số xe tải mua mới được hỗ trợ không vượt số xe phải thay thế.

Ngoài mức hỗ trợ chung, mỗi chủ phương tiện thuộc diện trên là thương, bệnh binh hoặc người khuyết tật sẽ được hỗ trợ thêm 15 triệu đồng; mỗi chủ phương tiện thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng; mỗi chủ phương tiện thuộc các đối tượng còn lại được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, chủ phương tiện có nhu cầu học nghề sẽ được Sở LĐ-TB&XH  cấp sổ đào tạo nghề miễn phí.

Đặc biệt, chủ phương tiện chuyển đổi nghề nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh sẽ được vay tối đa theo quy định tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội. Chủ phương tiện là thương, bệnh binh, người khuyết tật sẽ được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn. Ngoài ra, các chủ phương tiện còn được hỗ trợ một số chính sách khác như được khám sức khoẻ miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh do Sở Y tế Hà Nội trực tiếp quản lý. Để được hỗ trợ, các đối tượng này phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú về việc sở hữu phương tiện trước ngày quyết định bị cấm lưu hành có hiệu lực.