Mực nước sông Hồng hạ thấp: Doanh nghiệp thủy lợi lo tăng chi phí vận hành

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mực nước sông Hồng hạ thấp khiến việc vận hành hệ thống các công trình lấy nước sản xuất vụ Xuân 2020 gặp nhiều khó khăn. Điều này còn làm tăng chi phí điện năng tiêu thụ, khiến các DN thủy lợi hết sức lo lắng.

Công nhân vận hành Trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) lấy nước vụ Xuân 2020
Trạm bơm Phù Sa do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích quản lý là công trình thủy lợi đóng vai trò trọng yếu trong chống hạn vụ Xuân của Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, mực nước sông Hồng hạ thấp khiến trạm bơm chính không thể vận hành; đơn vị phải lắp đặt các tổ máy dã chiến để vận hành lấy nước từ sông Hồng. Mặc dù vậy, thời điểm trước và sau các đợt xả nước liên hồ chứa, Trạm bơm dã chiến Phù Sa thường xuyên phải vận hành trong điều kiện bất lợi về cột nước. Đơn cử trong đợt 1 và đợt 2 lấy nước vụ Xuân 2020, công trình phải vận hành ở mực nước sông Hồng dưới +2,0m. Đây là mực nước không đảm bảo cột nước hút cho phép, dẫn đến tăng chi phí vận hành, đặc biệt là điện năng tiêu thụ.
Không chỉ tại Trạm bơm Phù Sa, nhiều công trình chống hạn thuộc các DN thủy lợi khác quản lý như Ấp Bắc, Liên Mạc, Thanh Điềm… cũng không thể vận hành trong điều kiện mực nước thấp hiện nay. Các đơn vị quản lý phải lắp đặt, vận hành các tổ máy bơm dã chiến dẫn tới chi phí điện năng tăng cao. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, để bảo đảm công tác chống hạn, những năm qua, đơn vị phải vận hành cả các trạm bơm tiếp nguồn tưới từ các hồ thủy lợi như Suối Hai, Đồng Mô… Điều này khiến chi phí điện năng tăng thêm đáng kể. Thậm chí, đơn vị hiện còn nợ ngành điện hơn 3 tỷ đồng từ năm 2019.
Việc tiếp nguồn từ các hồ chứa thủy lợi được xem là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội chưa lấy đủ nước khi hai đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện đã kết thúc. Điều này khiến các DN lo ngại chi phí vận hành các trạm bơm dã chiến, các công trình tiếp nước từ hồ thủy lợi sẽ tiếp tục tăng. Cùng với mức hao tốn điện năng, chi phí bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị cũng sẽ tăng do công trình bị rung lắc, hư hỏng nhanh hơn khi vận hành trong điều kiện mực nước thấp.
Trước tình hình trên, đại diện các DN thủy lợi đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, thanh toán kinh phí tiền điện sản xuất theo hóa đơn thực tế. Đồng thời, cấp bù kinh phí trong dự toán đặt hàng năm 2020. Bên cạnh đó, sớm triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi trọng điểm, đặc biệt là các trạm bơm dọc sông Hồng như Phù Sa, Ấp Bắc, Liên Mạc. Đây sẽ là giải pháp căn cơ để ứng phó với tình hình nguồn nước ngày càng cạn kiệt, đáp ứng nhu cầu chống hạn phục vụ sản xuất vụ Xuân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần