70 năm giải phóng Thủ đô

Mùi phong bì... đắng chát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày tôi vào bệnh viện sinh con đầu lòng, anh chuẩn bị 5 cái phong bì để gửi cho các bác sĩ, y tá trong bệnh viện. Anh bảo “có cái này con mình sẽ đỡ đau!”.

KTĐT - Ngày tôi vào bệnh viện sinh con đầu lòng, anh chuẩn bị 5 cái phong bì để gửi cho các bác sĩ, y tá trong bệnh viện. Anh bảo “có cái này con mình sẽ đỡ đau!”.

Chúng tôi cùng lớn lên trên những cánh đồng rộng bát ngát. Anh hơn tôi 3 tuổi nhưng cùng vào đại học một lúc với tôi, bởi anh không có điều kiện thi cử, phải làm việc thêm 2 năm nữa.

Thuở nhỏ, tôi với anh đi chăn trâu cùng nhau. Có hôm trâu của tôi lạc, anh đi tìm giúp. Tìm thấy thì anh bị người ta bắt nạt vì để trâu đi tung lung, ăn hoa màu của họ. Anh hiền lành, chịu trận nhưng chẳng oán trách ai, như là cái lỗi do mình tạo ra vậy.

 

Nhà anh nghèo, cái đói luôn đeo bám quanh năm bởi ba anh bệnh, mẹ anh một tay nuôi hết gia đình.

 

Chúng tôi thường lên cánh đồng mót khoai về ăn, lấy rơm nướng lên thơm phức. Nhiều ngày anh ăn khoai để chống chọi với cơn đói. Mỗi lần nướng khoai bằng lửa rơm, anh hay lấy tay phẩy phẩy để khói bay vào mũi, nước mắt chảy nhưng anh thích thế.

 

Cả làng nhà nào cũng nghèo nhưng việc học hành luôn được xếp lên hàng đầu. Nhà anh khó khăn song anh học chăm chỉ, vừa học vừa làm, anh là tấm giương chịu khó cho cả làng. Ngày anh tốt nghiệp phổ thông trung học, không có tiền đi thi đại học, mà cho dù đi thi đậu cũng không có tiền để học. Anh đã theo những thanh niên cùng cảnh ngộ trong làng lên thị xã xin phụ hồ.

 

Lúc đó tôi đang còn học lớp 10, cái tuổi đủ để tôi biết xót xa dành một chút thương yêu nhẹ nhàng lúc anh theo đò ngang qua sông đón xe lên tỉnh. Nhìn áo anh bạc màu sờn vai, lòng tôi nặng trĩu. Không phải sự thương hại nhưng phảng phất chút gì đó mơ hồ, ái ngại mà sau này tôi biết đó là tình yêu.

 

Năm tôi thi ĐH SP Huế thì anh thi Kinh tế. Anh bảo thi ngành này dễ xin việc, lại kiếm tiền nhanh, còn tôi thích làm cô giáo để về quê dạy học. Tôi đã ngạc nhiên bởi anh thi đậu với số điểm rất cao. Sau hơn hai năm đi phụ hồ trên tỉnh, cực khổ, chắt chiu thế mà anh vẫn ôn thi tốt và nuôi được cái mộng vào đại học.

 

Chúng tôi khăn gói vào Huế học. Anh ở cách xa tôi, thường ghé thăm vào cuối tuần. Năm thứ hai đại học chúng tôi góp gạo nấu cơm chung. Đây là một quyết định khó khăn đối với tôi. Nhưng yêu anh, muốn chăm sóc cho anh và tiết kiệm chi phí, tôi chấp nhận. Anh vừa học vừa làm thêm, lúc nào cũng bận rộn nhưng không quên dành cho tôi những giây phút thần tiên. Ra trường chúng tôi có con. Tôi không quay về quê dạy học như tâm nguyện.

 

Ngày tôi vào bệnh viện sinh con đầu lòng, anh chuẩn bị 5 cái phong bì để gửi cho các bác sĩ, y tá trong bệnh viện. Anh bảo “có cái này con mình sẽ đỡ đau!”.

 

Chúng tôi ở lại thành phố lập nghiệp. Với công việc ổn định và sự chăm chỉ của anh, chúng tôi đã mua được nhà, sắm sửa nhiều thứ. Từ người thuần nông, chúng tôi đã thích nghi và sống theo kiểu thành thị. Những ngày hạnh phúc và đầm ấm qua nhanh như bóng chiều qua cửa sổ. Tôi nhận thấy trong cách ăn mặc và quan điểm về cuộc sống, gia đình, anh đã đánh mất nét chất phác ngày xưa. Anh luôn về nhà muộn, người đầy hơi men. Lúc anh say anh thường kể về những ngày khốn khó ở quê nhà, những lúc tủi khổ, thậm chí nhục nhã của kẻ làm thuê trong 2 năm phụ hồ ở thị xã. Anh bảo anh không thể yêu được nữa cái mùi khói lửa rơm quê. “Anh thích mùi phong bì em ạ! Cái nhà này được xây lên cũng từ phong bì đấy”.

 

Nhiều lúc say anh thường xỉ vả vào cái dung nhan của tôi, nó là anh thất vọng. Anh không đưa tôi đi giao lưu vì tôi quá thuần nông, dù có lụa là đến đâu vẫn không che nổi gót chân nứt nẻ, bàn tay khô cứng. Anh còn so sánh tôi với những bóng hồng nơi thành thị. Nhiều đêm dài tôi ôm con nằm ngủ một mình, rồi tỉnh giấc vì bên cạnh không có anh. Anh đã xuống một cái dốc sâu rồi trượt dài… Và điều cuối cùng đã xảy ra, anh theo gái, thuê phòng bao người đó để hưởng thụ những thứ có được từ những chiếc phong bì.

 

Tôi ôm con về quê. Mẹ nhóm lửa rơm nấu cơm, tôi khóc. Không phải vì cay mắt mà vì những mất mát quá lớn giữa lưng chừng đời!

 

Ngày trở lại thành phố, sau một đêm chứng kiến cảnh say và những lời sổ toẹt của anh, sáng sớm tôi quyết định gửi cho anh cái phong bì. Quyết định này khó khăn hơn cái thời còn sinh viên về chung sống với anh.

 

Phong bì là một lá đơn xin ly hôn đợi anh ký. Viết đơn khi thằng bé khóc ngặt nghẽo, tôi còn khóc to hơn. Tôi biết cuộc đời anh đã nhận được nhiều phong bì, có chiếc còn hôi mùi tanh của người bán cá, có chiếc đựng những tờ tiền mới và thơm vừa rút ở ngân hàng. Chiếc phong bì tôi gửi có lẽ là mùi đắng chát của trần gian.