Nhiều thủ tục cắt giảm nửa vời
Theo ông Cung, thời gian gần đây, số mặt hàng hàng phải kiểm tra đã giảm khoảng 4.000 mặt hàng (từ hơn 82.000 xuống còn trên 78.000). Điều này được DN đánh giá cao.Thông tin từ Bộ Tài chính, sau gần 4 năm triển khai (từ tháng 11/2014), đã có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 DN được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. DN không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.Dù đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành trong thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, DN vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.Ông Cung cho biết, việc cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đôi lúc chỉ với nhóm có số lượng mặt hàng ít. Còn lại, nhóm có lượng mặt hàng lớn lại chưa được điều chỉnh. “Nhiều khi báo cáo bộ, ngành cắt giảm lớn nhưng chưa chắc đã đạt được mục tiêu.” – vị chuyên gia này nói.Ngoài ra, tình trạng trùng lắp vẫn diễn ra. Ông tính toán, việc một mặt hàng chịu 2-3 bộ kiểm tra vẫn chiếm tới một nửa. Hoặc, có tình trạng, một mặt hàng bị 2-3 cục trong cùng 1 bộ kiểm tra. Ông cảnh báo, đây là vấn đề cần thay đổi nhanh chóng.Đại diện cho DN, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, việc thực thi công vụ hoặc sửa đổi văn bản giảm gánh nặng cho DN đâu đó vẫn có bất cập. Riêng với kiểm tra chuyên ngành, ông Nam cho rằng, DN rất tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến để cắt giảm danh mục. Thậm chí, một số văn bản không được gửi tới DN nhưng các đơn vị vẫn tự tìm hiểu để nghiên cứu. “Trong khi đó, một số cơ quan vẫn ngại tham khảo ý kiến của chúng tôi”- đại diện VASEP nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Hà Nội tiên phong cải cách vì doanh nghiệpPhát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lựa chọn thí điểm triển khai cơ chế một cửa quốc gia qua đường hàng không và thí điểm giám sát tự động hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ 1/7/2017, Hải quan Hà Nội đã thí điểm thực hiện một cửa quốc gia với hãng hàng không đầu tiên là Vietnam Airlines. Đến 1/4/2018 đã mở rộng triển khai với 30 hãng hàng không. Đến nay có tổng số 50/50 hãng hàng không, đạt 100% khai thác chuyến bay quốc tế tại Nội Bài, đã gửi thông tin tới cổng thông tin một cửa quốc gia. Ngày 16/10/2017, Hà Nội triển khai thí điểm quản lý giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và được các tổ chức, cá nhân ghi nhận, đánh giá cao. “Tham gia cơ chế một cửa quốc gia, người dân, DN không phải sử dụng chứng từ giấy. Cơ chế này cũng giúp DN giảm chi phí kho hàng, thời gian, nhân lực và có thể chủ động kế hoạch kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước từ đó cũng có được thông tin phân tích hàng hóa, giám sát nhân lực và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với DN”- Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết.Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong việc xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng DN, qua đó thiết thực thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.Về kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ý kiến, Chính phủ, các bộ, ngành sớm điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan trong việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, các đơn vị thông qua công tác quản lý rủi ro sẽ chia sẻ thông tin đã sàng lọc về các đối tượng cần kiểm tra giám sát; xây dựng cơ chế quản lý các kho hàng không nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại.